00:00 Số lượt truy cập: 2668510

10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân 

Được đăng : 03/11/2016

Theo thống kê của Bộ Y tế, 10/26 bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất theo thứ tự là: cúm, tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết, lỵ trực khuẩn, quai bị, lỵ amíp, viêm gan, thủy đậu...


Khoảng một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất đặc biệt được chú ý là các bệnh đường tiêu hóa và hô hấp, những bệnh này có liên quan tới nước sạch vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Điển hình là 3 đợt tiêu chảy cấp gần đây với hơn 500 người bị mắc. 

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Dự án Nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua việc cải thiện hành vi vệ sinh các nhân và vệ sinh môi trường do Cục Y tế dự phòng và môi trường và Quỹ Unilever VN tổ chức.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Nga, hiện nay, thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước và nhà tiêu hợp vệ sinh còn rất thấp, điều kiện kinh tế ở nhiều vùng còn khó khăn, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, thói quen mất vệ sinh của người dân. Đặc biệt là thói quen không rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh của người dân còn khá phổ biến và gần như hầu hết các người dân ở nông thông không thực hiện hành vi này.

Năm 2007, dự án đã triển khai thí điểm tại 10 xã thuộc 5 tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Tây, Hải Phòng. Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 27,5% lên tới 39,3%; tỷ lệ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn tăng từ 6,1% lên 54%; rửa tay bằng xà phòng sau khi đi đại tiện tăng từ 14,6% lên 63,8%... Kết quả này đã thay đổi được hành vi, thói quen vệ sinh và chủ động phòng ngừa được các dịch bệnh nguy hiểm như: SARS, cúm A (H5N1), nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tại các xã đã triển khai dự án.  

Tuy nhiên, để khắc phục những khó khăn, Cục trưởng Nguyễn Huy Nga đề xuất cần có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban ngành từ trung ương đến địa phương và sự tham gia tích cực của người dân đối với việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân từng bước khống chế và giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm này.

Năm 2008, dự án tiếp tục được triển tại 10 xã của 5 tỉnh này và mở rộng thêm 10 xã thuộc 5 tỉnh mới là: Nam Định, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thái Bình...