00:00 Số lượt truy cập: 2662077

An Giang: Có thêm một loại máy gặt đập liên hợp chất lượng cao 

Được đăng : 03/11/2016
Qua 1 năm vừa thử nghiệm vừa cải tiến hoàn thiện, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang đã chính thức nghiệm thu mô hình máy gặt đập liên hợp của nông dân Phạm Văn Nghĩa ở xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang với nhiều tính năng vượt trội so với các máy đã nghiệm thu trong thời gian qua.





Đây là máy do nông dân Phạm Văn Nghĩa tự chế, có kiểu dáng gọn trọng lượng nhẹ (khoảng 1,8 tấn), giá rẻ, sẵn phụ tùng thay thế và có khả năng gặt đập 5 ha/ngày kể cả trên nền đất mềm, ngập nước, trên lúa đổ ngã; máy ít tiêu tốn nhiên liệu khoảng 10 lít dầu/ha, tỷ lệ hao hụt lúa trong quá trình gặt trên 1%, đạt tỷ lệ lúa sạch 90%. Ước tính, nếu sử dụng loại máy này, nông dân sẽ tiết kiệm được từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng/ ha.



Hiện nay, toàn tỉnh mới có trên 300 máy gặt xếp dãy, công suất 0,3 đến 0,5 ha/giờ do nông dân tự đầu tư trang bị, đảm bảo cơ giới hoá cho khoảng 5% tổng diện tích canh tác, còn lại là gặt thủ công, vì vậy tỷ lệ hao hụt lúa khi thu hoạch rất cao. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, bình quân mỗi năm nông dân An Giang để thất thoát trong và sau thu hoạch 324.901 tấn lúa, tương đương 649,902 tỷ đồng, nhiều nhất là vụ hè thu 286,418 tỷ đồng do ảnh hưởng của lũ lụt. Ngoài hạn chế trong khâu gặt, trong 2 năm trở lại đây tỉnh An Giang còn có chủ trương chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đưa lao động ở nông thôn đổ xô ra thành thị, vào các khu công nghiệp tìm việc làm và xuất khẩu lao động nên đã dẫn đến việc thiếu hụt từ 30 đến 40% lao động trong mỗi mùa thu hoạch rộ, vì vậy làm tăng giá nhân công, kéo theo tăng giá thành sản xuất.