00:00 Số lượt truy cập: 2663035

Áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản: Lợi ích lâu dài 

Được đăng : 03/11/2016

Trong bối cảnh nhiều quy định của các nhà nhập khẩu quốc tế làm người nuôi trồng thủy sản trong nước bối rối thì việc xây dựng và thực hiện Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy trình này không hề dễ dàng.


Nhiều cái khó

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tiêu chuẩn VietGAP ra đời nhằm đưa ngành nuôi trồng thuỷ sản vào quy củ, đồng thời từng bước thay thế những tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC, MSC… đang được nhiều doanh nghiệp, nhóm hộ nuôi trồng thuỷ sản áp dụng, tiến tới thống nhất theo một quy chuẩn chung.

TS. Như Văn Cẩn, đại diện Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, những khó khăn mà VietGAP đang phải đối mặt là yêu cầu của thị trường đối với tiêu chuẩn này rất ít; có sự cạnh tranh gay gắt với các tiêu chuẩn chứng nhận tự nguyện có uy tín khác (BAP, GlobalGAP, ASC). Song cái chính là VietGAP chưa được quốc tế công nhận nên bà con e ngại khi áp dụng.

Được biết, ngày 23/12 tới đây sẽ có một nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế làm việc và phân tích xem, liệu các tiêu chí trong tiêu chuẩn VietGAP mà Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành có tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế hay không. "Tuy nhiên, theo quy trình nuôi trồng thuỷ sản thì phải mất ít nhất 3 - 5 năm các tổ chức quốc tế mới có thể xác định được các tiêu chí này. Hiện nay cũng chưa có cơ sở nuôi trồng nào đạt được giấy chứng nhận VietGAP", ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng nhận Vinacert nhấn mạnh.

Lợi nhiều và lâu dài

Theo Tổng cục Thuỷ sản, khi áp dụng VietGAP, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản phải đáp ứng được 4 tiêu chí cơ bản là đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, cái khó nhất trong quá trình thực hiện là điều kiện hạ tầng cơ sở nuôi trồng nước ta còn yếu, chủ yếu dưới dạng nông hộ nên hạ tầng vùng nuôi, nhất là thuỷ lợi và hệ thống ao chứa, ao lắng không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, áp dụng VietGAP, tức là nuôi trồng theo chuỗi từ con giống, thức ăn đến quy trình nuôi đều phải được cấp chứng nhận, như vậy thì các trại giống phải đạt tiêu chuẩn trước, sau đó mới đến các cơ sở sản xuất thức ăn thuỷ sản rồi mới đến ao nuôi.

Nếu áp dụng quy trình này, bà con nông dân sẽ được nhiều cái lợi, thứ nhất là chi phí giảm. Được biết, hiện nay, người nuôi muốn có chứng nhận MSC của Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế (Marine Stewardship Council - MSC) thì phải trả 100.000 USD ở lần đầu chứng nhận với thời hạn 1 năm và 12.000 USD/năm trong những lần chứng nhận sau. Việc áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP cũng không dễ (phải đạt tới hơn 200 tiêu chí phức tạp) và hiện nay mới chỉ có ít doanh nghiệp đạt được. Trong khi để được cấp chứng nhận VietGAP, cơ sở nuôi chỉ phải chi khoảng 10.000 USD/lần chứng nhận.

Cái lợi thứ hai mà bà con nhận được, đó là giá trị sản phẩm tăng lên, kéo theo nhiều cơ hội trong việc xuất khẩu. Bà Thu cho biết, trước mắt những cơ sở đăng ký chứng nhận quy chuẩn VietGAP trong thời gian đầu sẽ được Nhà nước cấp chứng nhận miễn phí, nhưng số tiền đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn đó thì các cơ sở phải tự túc.

"Hiện bộ cũng đang nghiên cứu các thị trường bán lẻ của châu Âu để giới thiệu sản phẩm VietGAP; đàm phán với một số đối tác này để đảm bảo sản phẩm nuôi theo quy chuẩn VietGAP có giá cao hơn sản phẩm khác. Điều này kích khích người nuôi tham gia vào quy trình này", bà Thu nói.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu, tới năm 2020 sẽ có 80% cơ sở nuôi thủy sản tham gia thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tiến hành phổ biến và áp dụng VietGAP cho 3 đối tượng thủy sản chủ lực là cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm.