00:00 Số lượt truy cập: 2661807

Áp dụng công nghệ cửa van lấy nước phù sa ở Vĩnh Phúc có hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016
Mới đây, viện Khoa học Thuỷ lợi áp dụng thành công công nghệ cửa van lấy nước phù sa nâng cao độ phì cho đất nông nghiệp tại các xã: Việt Xuân và Bồ Sao thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua khảo sát mở cửa van lấy nước phù sa qua cống Diệm Xuân (xã Việt Xuân) vào mùa lũ từ 4 đến 7 đợt (mỗi đợt từ 3 đến 7 ngày) tưới cho 11.000 ha đất nông nghiệp, mỗi năm huyện Vĩnh Tường thu thêm hơn 6.000 tấn thóc (khoảng13,2 tỷ đồng). Ngoài nguồn lợi về thóc, việc áp dụng công nghệ cửa van lấy nước phù sa còn giảm chi phí về phân bón, điện năng (thậm chí không mất điện năng) do cống có thể mở bất cứ lúc nào vào mùa mưa lũ; đồng thời giảm được chi phí nạo vét kênh mương nhờ dòng chảy phá tan bồi lắng dưới lòng kênh dẫn nước. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ này còn góp phần cải tạo môi trường (giảm thuốc trừ sâu), làm phong phú thêm hệ sinh thái; đồng thời giúp cho các nhà quản lý yên tâm khi vận hành việc cấp nước, tiêu nước trong mùa mưa lũ. Theo tính toán của các chuyên gia: toàn bộ chi phí đầu tư cho một cửa van lấy nước phù sa mất khoảng 500 triệu đồng, nhưng lợi ích mà người nông dân thu được (chỉ tính riêng về thóc) đã rất lớn. Nếu tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư áp dụng thêm cho các cống tưới trọng điểm như: Hoàng Kim (Yên Lạc), Thanh Điểm (Mê Linh), Khê Ngoại, Then (Lập Thạch) để lấy nước phù sa sẽ mang lại hiệu quả cực kỳ lớn cho địa phương. Bởi hiện nay nghiên cứu Viện thuỷ lợi đã thiết kế, chế tạo được cả 3 loại cửa van: cửa van bản quay, trục đứng, ban quay trục ngang nhiều tầng, clape liên hoàn. Chúng có thể áp dụng cho tất cả các loại địa hình hiện có của địa phương. Được biết, hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc có 3 con sông lớn chảy qua địa bàn có chứa một hàm lượng phù sa lớn có thể tận dụng khai thác làm tăng độ phì nhiêu cho đất sản xuất nông nghiệp và cải tạo môi trường. Điều hết sức quan trọng là: Vĩnh Phúc có hệ thống kênh mương kiến cố khá hoàn chỉnh, có thể dẫn nước phù sa từ các sông để nâng cao độ phì cho đất đã bị bạc mầu./. Lâm Đào An