00:00 Số lượt truy cập: 2668491

Bạc Liêu: Hiệu quả chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh 

Được đăng : 03/11/2016

Qua một năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở KH & CN tỉnh, đã có nhiều chương trình, dự án đã được triển khai và ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân, giúp cho bà con nông dân tiếp cận được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào mô hình sản xuất mang lại hiệu qủa.


Hai ngành đã phối hợp thực hiện Dự án: “Xây dựng mô hình xử lý nước sinh hoạt và mô hình Biogas composite tại một số xã phát triển nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” tổng kinh phí dự án 308 triệu, dự án đã hỗ trợ lắp đặt 20 hệ thống lọc nước khử phèn công suất 0,5m3/giờ cho các hộ nông dân tại các xã phát triển nông thôn mới, tạo điều kiện cho các hộ nông dân có cơ hội được sử dụng nguồn nước sạch, giá rẻ, sử dụng nước sạch đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời sử dụng hệ thống lọc khử phèn chỉ chi ½ so với giá nguồn nước tập trung với hộ 6 người sử dụng 900 lít/ngày tiết kiệm 1 tháng 45.900 đồng tiền nước sinh hoạt.


Phối hợp xây 20 hầm ủ biogas composite loại 5m3 chương trình hỗ trợ 50%, hộ thực hiện đối ứng 50%, đã triển khai lắp đặt cho 20 hộ chăn nuôi ở một số xã trong tỉnh, đến nay hoạt động ổn định và khả năng sinh gas cao, được mọi người đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả. Lượng khí gas sinh ra tại các hầm ủ có áp lực từ 10 kg/m2 trở lên, nếu chỉ dùng nấu ăn cho hộ gia đình có 6 người thì sẽ không sử dụng hết lượng gas sinh ra, mỗi gia đình một tháng sẽ tiết kiệm được ít nhất 480.000 đồng dùng cho việc đun nấu. Vì vậy, tới nay có rất nhiều hộ dân tại các địa phương đăng ký được hỗ trợ lắp đặt hầm ủ biogas composite. Dự kiến từ nay tới tháng 4 năm 2014 sẽ lắp đặt thêm 10 hầm ủ biogas composite cho 10 hộtại xã Phong Thạnh Đông A, xã Phong Tân (Giá Rai), xã Châu Hưng (Vĩnh Lợi). Chương trình đã giải quyết được vấn đề về chất thải môi trường, tiết kiệm khí đốt, thời gian sử dụng trên 10 năm.

Chương trình “Chuyển giao kỹ thuật trồng nấm rơm cho nông hộ” ở vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu được thực hiện đã mở được 18 lớp tập huấn, cấp phát vật tư và hướng dẫn kỹ thuật cho 270 hộ thuộc các xã: Phong Thạnh Đông A, Phong Tân, Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Hưng và Vĩnh Hưng A, với tổng kinh phí dự án là 490 triệu đồng. Chương trình đã mang lại hiệu quả cao, tránh được tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, kết quả tổng sản lượng khoảng 30 tấn nấm rơm, thu về cho các hộ dân khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Dự án hỗ trợ sản xuất, xây dựng nông thôn mới, mô hình “Nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp ít thay nước” ấp Cây Giá, xã Định Thành, huyện Đông Hải. Phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn về cách sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm sạch có 130/150 nông dân tham dự. Triển khai cho 38 hộ tham gia trên diện tích 82,2 ha với tổng kinh phí 238.158.000 đồng, trong đó Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ 44.388.000 đồng bằng 2.774 lít men vi sinh (16.000 đ/1lit).

Xây dựng mô hình sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học Fitobiomix RR xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ nhằm bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Bạc Liêu, thời gian thực hiện từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 12 năm 2014. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 02 lớp tập huấn tại xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) với 30 người tham dự và xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) với 40 người tham dự. Thực hiện ủ rơm tại 3 điểm hộ, cụ thể: hộ của ông Chúa ở ấp 1, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai ủ 40 công rơm (công tầm cấy), hộ của ông Đen ở ấp 8 cùng xã ủ được 50 công rơm và xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long ủ được 100 công rơm. Tổng cộng ủ được 190 công/kế hoạch của dự án là ủ 12.500 tấn rơm, lượng chế phẩm sử dụng 2.500 kg, tổng dự án có kinh phí thực hiện là 1 tỷ 394,94 triệu đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 1,2 tỷ đồng, phần còn lại địa phương hỗ trợ 194,94 triệu đồng.

Dự án xây dựng mô hình nuôi lươn trong hồ trải bạt ở xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tổng kinh phí 61.710.000 đồng/5 hộ, dự án hỗ trợ 49.940.000 đồng, vốn đối ứng 11.750.000 đồng. Doanh thu bình quân/1 hộ là 10.200.000 đồng (85 kg x 120.000 đ/kg), tổng chi phí cho 1 vụ nuôi/hộ là 7.425.000 đồng, lãi 2.775.000 đồng/1 hộ /1 vụ nuôi. Đây là mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị cao, bảo vệ tốt môi trường nước trong điều kiện không cần tốn nhiều diện tích đất và mặt nước sản xuất, tận dụng thức ăn sẵn có, giải quyết việc làm thiết thực và có hiệu quả.

Dự án xây dựng mô hình trồng dưa leo, khổ qua và đậu bắp trái vụ theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tại xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình. Tổng kinh phí 49.496.000 đồng/6 hộ/3.000 m2 ngân sách khoa học tỉnh hỗ trợ. Hiệu quả sau thời gian trồng từ 40-45 ngày thì thu hoạch, năng suất đậu bắp từ 3-3,5 tấn/1.000 m2; dưa leo từ 2-4 tấn/1.000 m2 ; khổ qua sau 40-45 ngày thu hoạch và cứ 3-4 ngày thu 1 lần, tổng thu từ 10-15 lần cho năng suất khá cao, mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn.

Thông qua chương trình phối hợp giữa hai ngành đã hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ cho hội viên, nông dân tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc chương trình hỗ trợ, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần vào sự thành công ở lĩnh vực công nghệ thông tin trong tương lai đồng thời góp phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động của Hội./.