00:00 Số lượt truy cập: 2668251

Bắc Ninh: Người dân làm giàu từ kinh tế gia trại, trang trại 

Được đăng : 03/11/2016

Nhiều vùng đất trũng, úng ngập quanh năm đã trở thành những ao nuôi thủy sản; nhiều bãi bồi lau sậy đã trở thành những mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) mang lại giá trị kinh tế cao… Đó là hiệu quả thu được từ chủ trương đẩy mạnh phát triển gia trại, trang trại, một hướng thoát nghèo làm giàu của hàng trăm hộ nông dân ở Bắc Ninh hiện nay.


“Ba sào ruộng cao sao bằng một sào ruộng trũng?”

Chúng tôi cảm nhận rõ ý nghĩa câu nói ví von này của bà con nông dân khi có dịp đến thăm mô hình trang trại VAC của gia đình anh Bùi Quang Phong, khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Với tư duy mạnh dạn làm kinh tế, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, năm 2011, anh Phong đã nhận thầu hơn 2 ha ruộng thuộc vùng trũng nhất của địa phương. Thực hiện phương thức “đa canh, đa nuôi”, Phong đã phát triển nhiều loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Quy hoạch hệ thống 2 ao nuôi cá và 1 ao nuôi ba ba với tổng diện tích trên 10.000m2. Đồng thời, anh cũng xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi gà thịt và lợn mán để cung cấp cho nhu cầu của thị trường thành phố Bắc Ninh. Diện tích còn lại anh trồng măng bát độ và chuối tiêu hồng. Đến nay, bình quân mỗi năm anh Phong nuôi 2-3 lứa gà ri lai, mỗi lứa khoảng 1.000 gà thịt. Đàn lợn mán cũng được anh duy trì thường xuyên với 5 lợn nái và trên 50 lợn con. Bình quân hàng năm, mô hình trang trại VAC mang lại cho anh Phong và gia đình thu nhập từ 170 - 200 triệu đồng/năm. Trang trại của anh cũng tạo việc làm cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. 


 

 Một góc trại nuôi gà của anh Bùi Quang Phong. Ảnh: QĐ


Cũng đi lên từ mô hình gia trại, trang trại, hiện nay, tại nhiều địa phương ở Bắc Ninh như các huyện Yên Phong, Lương Tài, Gia Bình, thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh… đã có hàng trăm hộ trở thành “triệu phú nông dân”. Những mô hình gia trại, trang trại phát triển mạnh đã giúp các địa phương này có điều kiện khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước, đất đai; tận dụng các diện tích ruộng trũng, bờ bãi để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Điển hình như ở huyện Quế Võ, hiện toàn huyện có khoảng 650 trang trại, gia trại. Trong đó, 14 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (quy mô mỗi trang trại từ 2 ha, thu nhập 700 triệu đồng/năm trở lên). Các trang trại, gia trại ở Quế Võ thường xuyên tạo việc làm cho trên 1.400 lao động với thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người.tháng. Doanh thu bình quân đạt khoảng 500 - 700 triệu đồng/năm; nhiều trang trại có doanh thu lên tới trên 1 tỷ đồng/năm.

Rõ ràng, gia trại, trang trại đang dần trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đẩy nhanh tốc độ thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Bắc Ninh.

Hướng đi hiệu quả cần nhân rộng

Được biết, trên cơ sở đi vào khai thác những lợi thế tự nhiên vốn có của địa phương, kinh tế gia trại, trang trại đã được phát triển khá sớm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã có trên 3.000 mô hình gia trại, trang trại tổng hợp, trong đó có 2.855 trang trại, 145 gia trại; 25,5% trang trại sản xuất và kinh doanh tổng hợp; 54,5% trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 12,4% trang trại nuôi trồng thủy sản và 7,6% trang trại trồng trọt. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có gần 150 trang trại đạt tiêu chí mới theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bình quân mỗi trang trại có vốn đầu tư khoảng 300 - 400 triệu đồng, giá trị sản xuất kinh tế trung bình đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Ngoài việc tạo việc làm thường xuyên cho trên 10.800 lao động, các gia trại, trang trại ở Bắc Ninh hiện nay còn thu hút gần 30.000 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân của lao động đạt từ 1,5 - 4 triệuđồng/người/tháng. Năm 2014, tuy chỉ chiếm 10% diện tích đất nông nghiệp nhưng giá trị sản xuất của gia trại, trang trại đã chiếm trên 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Bắc Ninh.

Thực tiễn đẩy mạnh phát triển các mô hình gia trại, trang trại ở Bắc Ninh cho thấy, nếu có sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực vươn lên của người nông dân thì đây thực sự là một hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Nhờ đó, đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã và đang có những chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng về chất lượng, hình thành các vùng sản xuất tập trung, năng suất cao.

Phát huy những kết quả đã đạt được, những năm qua các mô hình gia trại, trang trại đã được quan tâm nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh nhất là những huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi như Quế Võ, Gia Bình, Yên Phong, Lương Tài… Thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở Bắc Ninh sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế gia trại, trang trại để các mô hình này thực sự trở thành mũi nhọn, hình thành và mở rộng các khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh./.

Tạ Quang Đạo