00:00 Số lượt truy cập: 2667281

Bắc Ninh: Thanh niên Gia Bình với mô hình trang trại 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm gần đây, hoà cùng với sự phát triển của quê hương, tuổi trẻ Gia Bình đã và đang đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất trang trại nhỏ và vừa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Giang Sơn vẫn là một trong những xã khó khăn của huyện. Từ năm 2001, trên vùng đất khó này đã xuất hiện những trang trại đầu tiên do thanh niên làm chủ, tập trung sản xuất theo hướng hàng hoá. Điển hình như gia đình anh Trương Thế Huy ở thôn Du Tràng, năm 2004 đấu thầu một số diện tích ao hồ và ruộng trũng để phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Vượt qua khó khăn ban đầu, đến nay trang trại của anh Huy với hơn 1,5 ha vừa nuôi cá, gia súc và gia cầm, bình quân mỗi năm cho thu hoạch 8-10 tấn cá, hơn 200 con lợn, gần 1.000 gia cầm các loại. Hơn 100 cây xanh, lộc vừng vừa trồng đang lên xanh tốt, cùng với chăn nuôi đây là hướng sản xuất có triển vọng mang lại thu nhập cao. Ngoài ra, anh Huy còn làm đại lý thức ăn chăn nuôi vừa bảo đảm nguồn thức ăn cho trang trại vừa cung cấp cho những thanh niên khác trong vùng. Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Văn Du, Bí thư Đoàn xã Giang Sơn cho biết, toàn xã có 8-10 mô hình trang trại có quy mô như gia đình anh Huy. Tuy nhiên điều các thanh niên ở đây băn khoăn là thiếu vốn, nguồn vốn vay thông qua kênh Đoàn Thanh niên còn rất hạn chế. Hơn nữa hạ tầng cơ sở còn yếu, nhất là hệ thống đường vào chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp gây không ít khó khăn cho việc phát triển sản xuất với quy mô lớn. Đó là những điều vượt quá khả năng của Đoàn.

Theo anh Lê Văn Diến, Bí thư Huyện Đoàn Gia Bình hiện toàn huyện có 170 gia đình thanh niên phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, chủ yếu nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hầu hết các hộ đều cho thu nhập khá. Từ thực tiễn sản xuất, tổ chức Đoàn các cấp đã khẳng định vai trò thông qua việc phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổng kết rút kinh nghiệm, cho ĐVTN tham quan, học hỏi các mô hình ở địa phương khác, tăng cường hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất. Bình quân mỗi năm các cấp bộ Đoàn phối hợp tổ chức 10-11 lớp chuyển giao các kỹ thuật chăn nuôi lợn hướng nạc, nuôi cá lai, bò sữa, bảo vệ môi trường và phát triển nghề mới… phù hợp với thực tiễn sản xuất cho 400-450 ĐVTN. Nhằm giúp ĐVTN có thêm vốn phát triển sản xuất, tổ chức Đoàn tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội và nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn. Kết quả, 5 năm qua 380 hộ gia đình thanh niên trong huyện đã được vay hơn 3,3 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động trẻ. Tổ chức Đoàn còn phối hợp tập huấn cho cán bộ, ĐVTN nghiệp vụ quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích trả nợ đúng kỳ hạn, không để xảy ra thất thoát, tạo được lòng tin với ngân hàng. Song những nguồn vốn vay như thế vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu sản xuất của thanh niên địa phương. Thực tế này đòi hỏi tổ chức Đoàn và tự thân ĐVTN cần năng động hơn nữa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất.

Dẫu còn nhiều khó khăn song bằng tinh thần xung kích, tuổi trẻ Gia Bình đang khẳng định mình trên đồng đất quê hương, tạo nên sức sống mới, chung sức đồng lòng góp phần xoá đói giảm nghèo, vươn lên giàu có.