00:00 Số lượt truy cập: 2667480

Bài thuốc nam điều trị cao huyết áp 

Được đăng : 03/11/2016

Năm 1978, bài thuốc nam điều trị cao huyết áp chưa rõ nguyên nhân cho bệnh nhân có chẩn đoán huyết áp cao ở mức độ 1 và 2 (do nhóm các Dược sĩ, Bác sĩ lâm sàng Viện Quân y 13 Quân khu 5 nghiên cứu) đã đạt kết quả tốt và an toàn. Bài thuốc gồm:


 
Dừa cạn              1g
Hoa đại                3g
Cỏ mần trầu        10g
Dâu tằm               4g
+ Cây Hoa đại: có tên gọi là Bông sứ trắng, Bông sứ đỏ (nước Lào gọi hoa Chămpa).
Tên khoa học: pleumeria, acutifolia Poir.
Năm 1962, khoa Dược lý Trường sỹ quan Quân Y (nay Học viện Quân y) đã nghiên cứu dạng thuốc sắc 10 - 20% - 100% cho kết quả hạ huyết áp trên thỏ, chó. Hoa khô tốt hơn hoa tươi. Hoa đại không làm giãn mạch, không có tác dụng với ngoại biên, và trên hệ phó giao cảm, mà chỉ có tác dụng trung tâm.
Hoa đại có tác dụng hạ huyết áp nhanh và bền vững hơn. So với tác dụng hạ huyết áp của Ba gạc (Rawolfia Verticillata) thì Ba gạc tác dụng chậm hơn Hoa đại, tác dụng phụ của Hoa đại ít hơn so với Ba gạc. Có thể dùng 60g Hoa đại khô sắc uống hai lần sáng và chiều trong nhiều ngày, liên tục. Ngoài ra, Hoa đại còn chữa ho, bong gân, trật khớp, bệnh ưa chảy máu (hemophilie).
+ Cây dừa cạn: tên gọi: Bông dừa, Hoa hải đăng, Trường xuân hoa
Hoa có hai loại: màu trắng và màu đỏ
Tên khoa học: Catharanthus roseus (L) G Don.
Ngoài tác dụng chữa cao huyết áp mà hiện nay nhiều nước trên thế giới đang tập trung nghiên cứu, điều trị, nó còn có tác dụng trong điều trị đái tháo đường, trong bệnh lý tim mạch, nhất là đối với rối loạn thần kinh tim. Trong Dừa cạn còn có chất ajmalicin, có tác dụng điều trị viêm nhiễm đường tiết niệu. Dừa cạn còn có chất được xếp kháng ung thư rất tốt như: Vinblastin và Vincristin. Hiện nay Vinblastin là thuốc thứ nhất trong thành phần phối hợp của ba loại thuốc để điều trị các bệnh ung thư biểu mô, ung thư hạch (bệnh Hodgkin), ung thư tử cung, ung thư vú...
+ Cỏ mần trầu: tên gọi Cỏ mần chầu, Ngưu cân thảo, Sam tử thảo, Cỏ chỉ tía, Cỏ dáng, Cỏ bắc.
Tên khoa học: Eleusine indica (L) Gaertn) ngoài tác dụng chữa cao huyết áp, Cỏ mần trầu có tác dụng thanh thải nhiệt, giải độc, mát gan, sốt cảm, ho khan, viêm đường tiết niệu.
+ Cây dâu tằm: có tên: Dâu ta, Mạy mọn, Co mon.
Tên khoa học: Morus acidsa Griff.
Toàn bộ cây Dâu tằm và quả đều cho ta nhiều chất tốt như Triterpen, protein, gluxit, Flavonoit, cumarin, các Vitamin B, C, D, caroten, các axit hữu cơ khác. Dâu tằm rất tốt trong điều trị ho và đái dầm ở trẻ em. Hen suyễn, ho ra máu, cho an thần kinh và ngủ tốt cho người lớn.
Ngày 20/10/1978, với số kiểm nghiệm 8G – 406, Phòng kiểm nghiệm Cục quân y  Bộ Quốc phòng đã sắc một gói chè cao huyết áp với 300ml nước đun sôi còn lại 100ml cho thỏ uống. Trước khi uống, số huyết áp của thỏ 100/95 mmHg, sau uống 20 phút, số huyết áp được đo xuống còn 75/10mmHg. Có kết luận là chè cao huyết áp có tác dụng tốt cho cả hai thì tâm thu và tâm trương, thỏ không có phản ứng phụ và an toàn tuyệt đối.
Năm 1979, thuốc đã được điều trị cho một số bệnh nhân có chẩn đoán cao huyết áp giai đoạn I và giai đoạn II tại khoa nội 2, Viện Quân y 13 - Quân khu 5 và chọn lọc một số bệnh nhân có chẩn đoán cao huyết áp như trên, ở khoa nội 2 Viện Quân y 103 - Học Viện Quân y, cho cả bệnh nhân nội và ngoại trú đều đạt kết quả rất tốt. Chè cao huyết áp sau này chuyển thành dạng viên bọc đường màu xanh cam, đẹp, cứ 6 viên 0,5g, bằng lượng của 1 gói. Công trình nghiên cứu cũng đã được báo cáo trong hai Hội nghị nghiên cứu khoa học tháng 12 năm 1919 tại Viện Quân y 13 quân khu 5 và Hội nghị nghiên cứu khoa học tại Bộ môn Nội chung Học viện Quân y ngày 12 tháng 12 năm 1980.
Hiện nay, chiến lược điều trị bệnh nhân cao huyết áp cho phép các bệnh nhân điều trị tại nhà, việc dùng YHCTDT là rất phù hợp, hiệu quả cao, ít có tác dụng phụ. Cỏ cây rau quả trong vườn nhà ở đâu cũng có, như các cây cỏ trên hay Trái nhàu... giúp bệnh nhân giữ ổn định huyết áp “tối ưu” theo cơ địa và theo độ tuổi. Nhưng điều cốt lõi để đảm bảo sự an toàn và bền vững trong điều trị cao huyết áp là bệnh nhân phải tự giác thực hiện tốt các chế độ kiêng khem như: bỏ thuốc lá, rượu bia, ăn nhạt ít muối, mắm, hạn chế mỡ động vật, đường và các tinh bột, tập uống nước nhiều trong ngày, không cần phải uống nước một lượng nhiều vào buổi sáng mà lâu nay chúng nay chúng ta thường làm. Buổi tối không nên ăn quá no, giữ tốt chức năng bộ máy tiêu hoá không nên để táo bón.
Kiên trì sử dụng các thuốc YHCT trong điều trị các bệnh nội khoa mãn tính nói chung với bệnh huyết áp cao chưa rõ nguyên nhân mạn tính nói riêng là một hướng đi đúng, chúng ta nên nghiên cứu thận trọng để sàng lọc sử dụng.