00:00 Số lượt truy cập: 2637612

Bàn cách phòng chống bệnh chổi rồng 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh chổi rồng đang hoành hành trên khắp các vùng trồng nhãn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng nhãn. Tuy nhiên, công tác phòng trị bệnh đang gặp nhiều khó khăn khiến bệnh đang có xu hướng lây lan trên diện rộng.


Lây lan mạnh

Theo nghiên cứu của ông Lăng Cảnh Phú, cán bộ Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ), hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trên 11.575ha/60.000ha nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, khiến năng suất giảm 30-50%, thậm chí nhiều nơi mất trắng. Đối tượng bị nhiễm bệnh chổi rồng nhiều nhất là nhãn tiêu da bò, tiếp đến là nhãn tiêu lá bầu và nhãn Do (có nguồn gốc từ Thái Lan). Giống nhãn xuồng cơm vàng rất ít khi thấy xuất hiện bệnh.

Tại Tiền Giang, tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 2.000ha/8.607ha nhãn nhiễm bệnh với tỷ lệ từ 30 - 90%, nhiều vườn thất thu năng suất từ 60 - 100% khiến bà con phải đốn bỏ, chuyển sang trồng cây khác. Nguyên nhân lây lan bệnh được xác định là do nhà vườn cắt tỉa cành, chùm hoa chưa đồng loạt (lệ thuộc vào xử lý trái riêng lẻ của hộ để có thể bán giá cao), là điều kiện lưu tồn và phát tán của đối tượng gây hại; việc vệ sinh vườn và tiêu hủy cành, chùm hoa nhiễm bệnh của nhà vườn chưa tốt.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên người trồng nhãn ĐBSCL phải đối mặt với bệnh chổi rồng. Trước đó, từ năm 2007 - 2008, bệnh đã xuất hiện rải rác, kể từ đó đến nay, diện tích nhiễm bệnh tăng dần. Tại Đồng Tháp, bệnh chổi rồng xuất hiện rải rác trên một vài vườn nhãn ở Châu Thành vào năm 2008, đến tháng 10/2010, diện tích nhãn bị nhiễm bệnh ở huyện này lên tới 350ha. Từ tháng 3/2011 đến nay, tổng diện tích nhãn nhiễm bệnh của Đồng Tháp là 3.652ha (trên tổng số 4.350ha), trong đó diện tích nhiễm nặng là 3.593ha. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, việc phòng trừ bệnh chổi rồng không hiệu quả là do, giá nhãn không ổn định nên nông dân ít đầu tư chăm sóc, không cắt tỉa khi các chồi, bông bị bệnh theo khuyến cáo; các vườn nhãn được xử lý ra hoa rải vụ, tạo điều kiện cho bệnh lây lan; nhện lông nhung (đối tượng trung gian truyền bệnh) có kích thước quá nhỏ, không thể quan sát bằng mắt hoặc kính lúp cầm tay thông thường, do đó không đánh giá được hiệu quả trừ nhện sau khi phun thuốc.

Cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp

Tại hội thảo Tình hình bệnh chổi rồng hại nhãn ở các tỉnh, thành phía Nam và biện pháp phòng trị do Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, với bệnh này, cần áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp. Nhóm tác giả Nguyễn Văn Hòa, Trần Thị Mỹ Hạnh, Bùi Thị Ngọc Lan, Mai Văn Trị thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đưa ra quy trình quản lý bệnh chổi rồng trên nhãn như sau:

Sử dụng giống nhãn ít nhiễm bệnh, thay thế nhãn tiêu da bò bằng xuồng cơm vàng, nhãn long, xuồng cơm trắng, xuồng bao công. Tuyệt đối không nhân giống nhãn từ những cây và vườn nhiễm bệnh. Chỉ sử dụng cây được xác định sạch bệnh; tiêu hủy cây giống nhiễm bệnh. Tránh vận chuyển các vật liệu trồng có xuất xứ từ những khu vực bị nhiễm sang khu vực khác.

Tưới phun nước với áp lực cao lên tán cây để hạn chế mật số nhện và các côn trùng chích hút trên tán cây; tưới nước, bón phân đầy đủ, cân đối; tránh bón nhiều đạm; bón phân kết hợp tỉa cành tạo tán tập trung để cây ra chồi đồng loạt.

Cắt tỉa cành bị nhiễm sau thu hoạch. Sau khi cắt tỉa nên thu gom thành đống, phun thuốc trừ nhện, phủ lại bằng tấm nylon để diệt nhện, tránh nhện phát tán lên cây; tỉa các chồi bị nhiễm khi vừa xuất hiện và tiêu hủy. Lưu ý, việc tỉa, tiêu hủy cành chỉ đạt hiệu quả cao khi được tiến hành đồng loạt trên toàn khu vực nhiễm bệnh. Nhúng dụng cụ xử lý trong dung dịch Javel 5% và lau khô khi chuyển từ tỉa cành này sang cành khác.

Có thể trừ nhện bằng cách phun kết hợp Cypermethrin hay thuốc gốc Diafenthiuron với dầu khoáng (DC Tron Plus hoặc SK Enspray 99), hiệu quả phòng trừ cao hơn phun đơn lẻ từng loại thuốc. Cũng có thể sử dụng thuốc trừ nhện bột lưu huỳnh. Nên phun thuốc vào giai đoạn chồi non mới hình thành và khi mật số nhện cao; phun luân phiên các loại thuốc có gốc thuốc khác nhau để tránh tình trạng kháng thuốc của nhện; trên vùng có áp lực bệnh cao hay vùng có tiền sử nhiễm bệnh nên tiến hành phun thuốc trừ nhện và côn trùng khác vào giai đoạn ra lá, đọt non hoặc lúc chuẩn bị tượng hoa.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, tác nhân gây bệnh chổi rồng là vi khuẩn thuộc nhóm Gamma Proteobacteria, sống trên mạch dẫn của cây, đặc biệt trên các chồi non. Trung gian (môi giới) truyền bệnh là nhện lông nhung.

BOX: Chổi rồng được xem là đối tượng gây hại quan trọng nhất trên nhãn. Triệu chứng của chổi rồng xuất hiện trên các lá, chồi non, trên hoa và quả non, làm cho chồi lá, hoa không phát triển được, biến dạng, co cụm như bó chổi. Các phân đoạn trên cành, lá, chùm hoa đều ngắn và nhỏ lại, nhìn từ xa như dạng một tổ chim, dạng hoa tre hay cây chổi nên có tên là chổi rồng. Chồi bị bệnh không tiếp tục phát triển, dần thoái hóa, khô và chết.