Kết thúc năm 2017, phấn đấu có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm post (tôm giống) đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hướng đến đầu tư, xây dựng thành công và được chứng nhận là các cơ sở tôm nuôi có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14 và của OIE. Phấn đấu trong năm 2017, có ít nhất 1 doanh nghiệp được chứng nhận là cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm đi các nước.

Về xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát, Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y chủ trì thực hiện xây dựng, trình, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch giám sát dịch bệnh quốc gia. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương và các cơ sở nuôi tôm thực hiện Kế hoạch, đảm bảo cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh được chứng nhận theo tiêu chuẩn của OIE và Thông tư số 14.

Với các Chi cục Thú y, trên cơ sở Kế hoạch giám sát dịch bệnh quốc gia, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan ở địa phương xây dựng và báo cáo Sở NN&PTNT trình UBND cấp tỉnh hoặc trực tiếp phê duyệt Kế hoạch giám sát dịch bệnh tại địa phương. Tổ chức thực hiện Kế hoạch giám sát dịch bệnh tại địa phương, trong đó, tập trung giám sát tại các vùng tiếp giáp liền kề, xung quanh cơ sở nuôi tôm dự kiến xây dựng nhằm đáp ứng các điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định OIE và các nước. Cùng với đó, tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký xây dựng và triển khai “Kế hoạch giám sát dịch bệnh” tại cơ sở để đăng ký chứng nhận cơ sở sản xuất, nuôi tôm an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14.

Về chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh, cần nghiên cứu tổng hợp, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp về các quy định của quốc tế, của các nước và Việt Nam đối với cơ sở an toàn dịch bệnh để làm căn cứ tổ chức thực hiện. Tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc, kháng sinh trong nuôi tôm để đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường đạt hiệu quả. Đồng thời, tổ chức tập huấn về kỹ thuật có liên quan đến việc xây dựng cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh cho các địa phương, các doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản trong vùng đệm. Định kỳ 3 tháng tổ chức họp và báo cáo kết quả về tiến độ thực hiện, kèm theo các giải pháp, kế hoạch tiếp theo để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.

Về kinh phí thực hiện, Bộ NN&PTNT bố trí bổ sung nguồn kinh phí cho việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ do các đơn vị thuộc Bộ chủ trì. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh tại địa phương; cho phép kết hợp sử dụng nguồn thu phí, lệ phí để triển khai nội dung kế hoạch giám sát dịch bệnh tại địa phương theo đúng quy định hiện hành về tài chính.

Các doanh nghiệp bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các nội dung liên quan trong kế hoạch thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí để tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống tại vùng đệm nhằm tạo ra vùng đệm ít có mầm bệnh có khả năng xâm nhiễm vào chuỗi cơ sở sản xuất tôm an toàn dịch bệnh của doanh nghiệp./.