00:00 Số lượt truy cập: 2661802

Bẫy đèn dự báo gieo sạ né rầy 

Được đăng : 03/11/2016
Để hạn chế dịch bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá do rầy nâu truyền bà con cần phải áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp. Trước mắt đó là việc gieo sạ để né rầy di trú, bằng việc quan sát khi thấy rầy vào đèn nhiều thì tiến hành ngâm ủ giống để sau đó khi gieo sạ xuống, nếu rầy di trú đến ruộng cũng không thể tấn công cây lúa được vì mầm mạ còn nằm trong đất. Trong điều kiện bình thường, việc đặt bẩy đèn là một công cụ theo dõi sự di trú của rầy trưởng thành từ đó dự báo các đợt rầy cám trên ruộng lúa để phun diệt kịp lúc, nhưng trong tình hình hiện nay với tỉ lệ rầy mang mầm bệnh trên 70 % thì việc né rầy tấn công lúa là rất quan trọng.



Trong tháng 11 vừa qua, An Giang đã triển khai kế họach và lắp đặt xong tổng số 32 bẫy đèn ở hầu hết các huyện, thị trong toàn tỉnh. Mỗi nơi có bẩy đèn đều được bố trí một cán bộ kỹ thuật chuyên theo dõi mật số rầy vào đèn và các đối tượng sinh vật hại khác để báo về Trạm BVTV tổng kết thông báo cho bà con lịch xuống giống thích hợp. Thời gian qui định mở đèn từ 19 giờ đến 22 giờ. Thông thường rầy cánh dài bị thu hút bởi ánh sáng và vào đèn nhiều vào những đêm có trăng. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối vụ đang thu hoạch lúa thì rầy vào đèn liên tiếp không theo một quy luật nào cả. Theo dự báo của Chi cục BVTV An Giang vào cuối tháng 11 này rầy di trú sẽ vào đèn rất rộ, kết hợp với con nước tháng 10 al đang rút xuống nên đây là thời điểm bà con có thể xuống giống vụ Đông xuân đồng lọat, khi lúa được 7-10 ngày tuổi thì lượng rầy đã giảm hẳn như vậy sự gây hại sẽ nhẹ hơn. Sau đó căn cứ vào lứa rầy phát sinh lúc xuống giống có thể dự đoán thời gian cao điểm của lứa rầy tiếp theo (vòng đời của rầy nâu trung bình từ 25 -30 ngày).


Quản lý rầy nâu cần phải hết sức nghiêm nhặt bởi vì khi cây lúa nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá thì không có thuốc trị mà theo chỉ thị của Bộ NN&PTNT (tháng 10/2006) là những ruộng lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá từ 10% trở lên đều bắt buộc phải tiêu hủy ngay nhằm hạn chế nguồn bệnh lây lan.


Biện pháp xuống giống đồng lọat khi có rầy nâu vào đèn rộ sẽ giúp né được đợt rầy di trú tới ồ ạt, còn những đợt rầy lẻ tẻ thì đòi hỏi bà con phải áp dụng nhiều biện pháp khác để hạn chế thấp nhứt những đe dọa cho ruộng lúa.


Rất cần thiết có thể xử lý hạt giống bằng thuốc Cruiser plus, đây là chế phẩm được dùng để xử lý hạt giống, giúp ngăn chặn được các lòai côn trùng chích hút tấn công lúa trong thời kỳ đầu. Liều lượng 30 cc thuốc pha trong 2 lít nước trộn đều cho 100 kg giống vào lúc lấy ngót lần cuối sẽ giúp phòng trị tốt bọ trĩ và rầy trưởng thành tấn công ít nhất trong vòng 10 ngày sau sạ.


Theo các nhà khoa học thì một con rầy khi đến ruộng có thể chích hút và truyền bệnh cho khoảng 7 cây lúa nên việc xử lý hạt giống là cách làm hữu hiệu để ngăn chặn sự lan rộng của bệnh. Bên cạnh đó, xử lý hạt giống bằng Cruiser plus sẽ tạo thêm cường lực cho cây lúa ngay giai đoạn đầu và giúp cây lúa có khả năng bù đắp số chồi khi một số cây khác bị nhiễm và chết trong giai đoạn đầu.