00:00 Số lượt truy cập: 2637255

Bến Tre: kinh nghiệm và sáng tạo của người làm vườn 

Được đăng : 03/11/2016
Ông Huỳnh Văn Chệt (tên thường gọi Bảy Chệt) ngụ tại ấp Sơn Phụng – Sơn Định –Chợ Lách là một nhà vườn có hơn 15 năm trong nghề làm cây giống với các chủng loại cây trồng như nhãn, sầu riêng, bưởi, cam sành.

Hiện nay ông Bảy Chệt chỉ còn ghép và bán giống cam sành với khoảng 10.000 gốc/năm. Tổng diện tích của ông là 1ha trồng sầu riêng. Ba năm về trước sầu riêng Mongthong khi bán ra phải chấp nhận tỉ lệ sượng đến 40% và số tiền thất thu không phải ít có thể đến vài ba mươi triệu đồng/năm. Với số tiền thất thu quá lớn ông Bảy không cam tâm nên đã thay đổi cách bón phân cho sầu riêng Mongthong và 3 năm gần đây mỗi năm bán trên 4 tấn trái thu về gần 100 triệu đồng nhưng không có trái sượng nào bị trả về như trước.


Ngoài kinh nghiệm bón phân cho sầu riêng không bị sượng thì ông Bảy Chệt còn có cách chọn bo sầu riêng để mau cho trái và cho trái nhiều. Giai đoạn làm cây giống sầu riêng thì khi ghép bo để bán thì "bo nào cũng là bo" cứ ghép dính lên chồi là bán được. Tuy nhiên qua thực tế theo dõi nhiều năm thì ông Bảy Chệt nhận thấy là nếu lấy bo ở đầu ngọn cành thì sầu riêng cho trái vào năm thứ 4 đến năm thứ 7 thì khả năng mỗi cây từ 40 – 50 trái/cây/năm. Nhưng nếu lấy bo nách (bo ở phía trong của cành (hay còn gọi là tược nước, cành vượt) hoặc là lấy bo ở cành lồng đèn là bo mọc thành chùm ở vị trí gần cuống trái của mùa trước ) thì cây 7 – 8 năm mới cho trái và mỗi cây chỉ 15 – 20 trái và khi có khi không. Ở những cây này thì cây sẽ chậm trái, trái ít, vỏ trái dày nên khó bán và bán mất giá. Dù vậy bo nách là bo dễ dính, cây phát triển mạnh, tán xoay đều, lá thưa nách vì vậy khi nhìn vào vườn ươm thì người mua dễ bắt mắt và thường chọn những cây này về trồng và cuối cùng là vườn sầu riêng cho trái không đạt như ý muốn.


Ngoài những kinh nghiệm trên, ông Bảy Chệt còn ứng dụng sự sáng tạo một cách cụ thể trong vườn sầu riêng nhà theo cách làm riêng của mình. Với khỏang 200 cây sầu riêng trong diện tích 10 công đất thì 95% số cây trồng trong vườn ông đã chú ý cải tạo phát triển bộ rễ cho cây (thế chân nôm). Gọi là chân nôm vì nó cũng gần giống với rễ cây đước, cây mắm vùng biển. Thường thân sầu riêng phần phía trên mặt đất chỉ có một thân thẳng đứng lên, sầu riêng lại là cây lâu năm nên tán lá thường cao và to nên rất dễ bị lật trốc gốc khi gió nhiều. Để giảm thiểu mức độ thiệt hại là dùng dây kẽm chằng bốn phía. Tuy nhiên việc sử dụng dây kẽm là ngoài việc tốn công chằng dây, tốn kẽm thì vài ba tháng phải nới lỏng dây chằng phía trên thân sầu riêng ra vì nếu không sẽ làm tổn thương cây làm nấm bệnh xâm nhập. Mặt khác khi chằng dây thì ta dùng tre đóng vào đất giữ dây chằng, sau khi mưa giông thì gốc tre thường bị bật lên nằm trên ngọn sầu riêng và phài trèo gỡ dây làm lại.Nói chung thì với cách làm này thì không ngại tốn tiền mua kẽm mà ngại công sức chằng dây, nới lỏng và chằng lại….mà kết quả lại không như ý.


Nói về cách làm thì ông bày Chệt cho biết : để có thế chân nôm nhân tạo cho cây thì từ khi trồng đến dưới một năm ta đều có thể ghép được. (Nếu để trên một năm thì cây cao tán lớn dễ bị gió lung lay làm tróc phần ghép). Sau khi trồng 3 tháng thì cây đã bén rễ, đồng thời với cây chánh thì ta trồng thêm 4 cây phụ ở bốn phía của cây chánh và cách cây chánh 5 - 7 tấc. Khi ghép thì ta tách vỏ mở mịêng trên thân cây chánh ở 4 phía tương ứng với vị trí và chiều cao của 4 cây phụ, vạt nêm 4 ngọn cuả 4 cây phụ và câu vào phần vỏ đã lột trên thân cây chánh và dùng dây cột lại, sau đó đóng cọc để giữ ổn định cây đến khi các vết ghép liền da là được. Mặt khác việc tạo thế chân nôm cho cành ghép cũng tỏ ra rất hữu hiệu trong việc hạn chế sự tách rời (tét) cành ghép do giông gió. (Thường cành ghép phát triển mạnh tán lá xum xuê nên khi gió mạnh rất dễ bị tét ngay chỗ ghép) Tạo thế chân nôm cho cành ghép sẽ không còn lo ngại cây bị hư về sau. Cách làm: chọn 3 – 4 cành có kích cỡ đồng đều nhau, câu những đọt ấy lại và ghép dính vào nhau. Sau 3 – 4 tháng thì tiến hành ghép mắt (bo) mới vào phía trên chỗ ghép cũ từ 5 – 10 cm. Cách làm này cũng đã được nhiều nhà vườn thực hiện để đổi giống cây chất lượng từ gốc cũ kém chất lượng.


Với việc tạo thế chân nôm cho cây và cành ghép đã giảm thiểu sự hao tổn như trốc gốc, tét cành sầu riêng... trong vườn nhà một cách rất rõ nét. Nhờ cách làm này mà hiện nay vườn sầu riêng nhà ông Bảy Chệt không còn bị trốc gốc như trước đây. Với những người có tay nghề khi nhìn vào là biết ngay và có thể làm được, và những người mà ông Bảy Chệt hướng dẫn cặn kẽ cũng được vài ba trăm người trong nhiều năm qua.


Thiết nghĩ cách làm đơn giản nhưng rất hữu hiệu này cũng cần được ứng dụng ở những vùng chuyên canh sầu riêng; nhất là ở những nơi thường bị ảnh hưởng của giông gió mưa bão; hầu giảm thiểu sự thiệt hại cho những nhà vườn trồng cây đặc sản.