00:00 Số lượt truy cập: 2638499

Bệnh tay- chân-miệng đang lan rộng, diễn biến phức tạp 

Được đăng : 03/11/2016
TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) nhận định, hội chứng tay, chân, miệng (T, C, M) đang diễn biến phức tạp và có thể thành dịch lớn ở Việt Nam, vì từ đầu năm tới nay, với gần 3.000 trẻ mắc đã bằng cả năm ngoái. Hiện số trẻ em bị T, C, M tiếp tục tăng cao không chỉ ở khu vực phía nam mà có chiều hướng tăng lên ở các tỉnh phía bắc.

Ðáng lo ngại hơn, tại phía nam, theo ghi nhận của Bộ Y tế đã có trẻ chết  do biến chứng của T, C, M gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở tim và não. Cũng tại phía nam, điều tra dịch tễ cho thấy, có khoảng 10% số trẻ bị T, C, M là do enterovirus 71 (EV71) gây ra, loại virus rất nguy hiểm, với nhiều biến chứng kèm theo.

TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng  Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, hiện nay, ngoài loại virus coxsackie gây T,  C, M ở mức độ nhẹ và chủ yếu ở các tỉnh phía bắc thì EV71 đã xuất hiện trên phạm vi toàn quốc. Nguy hiểm hơn, do hội chứng T, C, M là bệnh mới xuất hiện ở nước ta nên hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa EV71. Việc điều trị bệnh T, C, M do EV71 vẫn chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu, chủ yếu là các biện pháp điều trị triệu chứng để hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và điều trị các biến chứng nếu có.

 TS Hiển khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần hết sức cảnh giác khi thấy trẻ xuất hiện ban đỏ, mụn nước ở lòng bàn chân, bàn tay và miệng, phải khẩn trương đưa trẻ tới bệnh viện khám, không tự mua thuốc về điều trị và tuyệt đối không được nặn vỡ các mụn nước. Ngoài ra, cần cách ly trẻ bị bệnh trong vài ngày đầu mắc bệnh. Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh và thực hiện ăn chín, uống sôi.

* * Ðồng Nai: Có nguy cơ bùng phát thành dịch

 Bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Ðồng Nai, cho biết, chỉ trong bốn tháng đầu năm 2008 đã có 229 trẻ phải nhập viện do bệnh T, C, M, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái và trong tháng 5 này, số trẻ bị mắc bệnh đang tăng đột biến và có nguy cơ bùng phát thành dịch.