00:00 Số lượt truy cập: 2637692

Bi kịch con tôm! 

Được đăng : 03/11/2016

Cách đây hơn năm năm, người dân Bạc Liêu buộc chính quyền phải “chạy theo” mình khi hàng vạn hộ gia đình chuyển ruộng lúa thành vuông nuôi tôm.


Giờ đây, cũng chính họ khiến chính quyền đau đầu và “chạy theo tập 2” khi lấp vuông tôm để trồng lúa trở lại.

Nhiều lão nông tri điền từng giàu nứt vách, trữ trong nhà hàng ngàn giạ lúa/vụ nhưng giờ đây không có gạo để nấu cháo ăn qua ngày. Chuyện gì đang xảy ra tại vùng chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ lúa sang tôm ở Bạc Liêu?

Từ huyện Hòa Bình xuống xã biển Vĩnh Hậu (Bạc Liêu), khu nuôi tôm công nghiệp cặp hai bên đường của người dân xơ xác, tiêu điều. Mặc dù vụ thả nuôi được xác định từ tháng hai nhưng đến thời điểm này người dân chưa cho nước vào vuông. “Tiền đâu nữa mà thả nuôi. Ba năm rồi không có vụ nào trúng, dân ở đây mất trắng, nợ nần không lối thoát” - anh Thạch Dương, bí thư chi bộ ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu, nói trong xót xa.

"Hai lúa" xác xơ

Anh Thạch Dương, bí thư chi bộ ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), thất bát ba năm liền, nợ quá hạn ngân hàng gần 100 triệu đồng, không còn vốn để có thể tiếp tục nuôi tôm

Trước đây anh Dương là “Hai Lúa” chính hiệu, nhà có mấy chục công đất ruộng. Tuy lúa không làm anh thật sự giàu có nhưng cũng không đến nỗi buộc gia đình anh rơi vào lo lắng, cùng cực như thời điểm hiện nay. Khi chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm theo qui hoạch của chính quyền, năm đầu anh làm trúng, trừ đi tất cả chi phí thì còn lời khá. Sang năm thứ hai, con tôm bắt đầu trở chứng nuốt hết số vốn mà anh dành dụm được. Sổ đỏ của căn nhà nông thôn và mấy chục công đất của anh bắt đầu “lội” tới ngân hàng. Không còn vốn, anh đành phải vay nóng, vay lạnh bên ngoài nhưng vẫn không thể cứu nổi bi kịch mà anh đang “bị” buộc vào đó.

Anh Dương đứng nhìn đáy vuông trơ ra nứt nẻ giữa cái nắng chói chang mà rơm rớm nước mắt, nhớ lại cái thời còn là... Hai Lúa. Anh nói: “Chưa bao giờ mà cuộc đời tôi, gia đình tôi khó khăn, nợ nần như bây giờ. Không còn nguồn thu nhập ổn định nào khác ngoài số tiền 300.000-400.000 đồng lương lĩnh từ Nhà nước. Với hoàn cảnh hiện nay thì tôi khó có thể trả nổi nợ quá hạn ngân hàng 100 triệu đồng”.

Ngặt nỗi anh buộc phải cố trả vì là... bí thư chi bộ ấp, vì theo chỉ thị của cấp trên, nếu những người như anh mà không (hoặc chậm) trả thì còn nói ai nghe, dân sẽ “vin” vào đó mà... thiếu nợ quá hạn ngân hàng. Anh phải dè sẻn từng đồng để trả nợ dần, miễn sao là có trả. Vụ thả nuôi này anh chẳng còn đồng vốn nào nên đành phải treo đáy vuông. Chi bộ của anh có tất thảy bảy người thì đã có đến bốn người nợ quá hạn ngân hàng mà không có cách gì trả nổi. Mỗi lần vào họp nhắc đến chuyện nợ nần mà anh cảm thấy áy náy. Thiên tai, địch họa có chừa bất cứ ai? Cũng trong chi bộ này, ông Phạm Văn Quí 71 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng cũng phải bớt phần lương hưu ít ỏi của mình lĩnh hằng tháng để trả nợ ngân hàng. Sổ đỏ, giấy tờ của ông cũng đã “gửi” hết ở ngân hàng.

Cách đây vài năm, ở khu vực Vĩnh Mẫu, ông Huỳnh Văn Khá được xem là một trong những người khá giả bậc nhất vùng này. Với vài chục công đất trồng lúa, mỗi vụ trong nhà ông lúa chất đầy, có đến hàng ngàn giạ. Từ năm 2004, ông chuyển sang nuôi tôm vì khu vực này chẳng còn thể nào trồng lúa vì nước đã nhiễm mặn do ai cũng chuyển ruộng thành ao tôm. Như bao nông dân khác ông trúng vụ đầu, rồi sau đó thất bại luôn cho tới nay. Khi chúng tôi tìm đến nhà, bà Lê Thị Nhan (vợ ông) nói ông đang ở ngoài vuông. “Xả nước vào thôi chứ có tiền đâu mà thả giống. Vậy mà ổng cứ tối ngày ở ngoài vuông, không muốn vào nhà”. Bà Nhan nói trong nghẹn ngào: “Lúc còn làm lúa, nhà tôi gạo ăn không hết.

Chưa khi nào tôi nghĩ tới chuyện không có hạt gạo để ăn. Vậy mà bây giờ có hôm trong nhà không còn nắm gạo nào để nấu cháo”. Càng nuôi tôm ông Khá càng lún sâu vào nợ nần, đến nỗi ông không dám nhìn thẳng vào mặt vợ. Vợ ông thì bảo nợ nần kiểu này chắc có nước bán nhà mà đi. “Tôi cũng có ý định bán bớt đất đai để trả nợ ngân hàng, nhưng ngặt nỗi đất đai khu vực này bán không ai mua nữa. Còn chiếc xe ủi cà tàng chắc tôi bán nốt để xoay xở, chứ bây giờ còn đồng nào trong túi đâu mà nuôi với nấng”.

Quay đầu làm ruộng?

 1.300 tỉ đồng hay 120 tỉ đồng?

Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bạc Liêu, dư nợ đến thời điểm đầu năm 2007 ở tỉnh này là 4.100 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn (phần nhiều là nợ xấu) lên đến 1.300 tỉ đồng. Trả lời chất vấn cử tri tại kỳ họp HĐND tỉnh Bạc Liêu cuối năm 2006, ông Hồ Thái Nguyên - giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bạc Liêu - cho biết nợ xấu là 1.304 tỉ đồng, chiếm 32,8% tổng dư nợ, với 42.958 hộ toàn tỉnh. Trong số hộ này có đến 42.261 hộ dân nuôi trồng thủy sản với nợ quá hạn 1.200 tỉ đồng (có 700 tỉ đồng là nợ xấu).

Chiều 1-5, ông Hồ Thái Nguyên lại cho chúng tôi biết số dư nợ quá hạn của ngân hàng hiện nay trên địa bàn chỉ khoảng trên 200 tỉ đồng, tỉ lệ 8,7%. Còn dư nợ quá hạn trong nuôi trồng thủy sản chỉ trên 6,2%, vào khoảng 120 tỉ đồng, tập trung vào vùng chuyển đổi lúa - tôm.

Đi dọc theo xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Mỹ A... tình hình vẫn vậy. Dân nuôi tôm điêu đứng đến thảm lòng. Anh Đỗ Hữu Ngọc, bí thư chi bộ ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, nói: “Đừng thấy vuông đầy nước như thế mà nói họ đang thả nuôi. Khu vực này nợ nần như chúa chổm. Họ không còn tiền đầu tư thả giống nên bơm nước vào để tôm cá tự nhiên tự sống”. Trước đó không lâu chúng tôi đã nghe một số cán bộ xã, huyện nói nhất định không để đất trống. Ông Phạm Doãn Tân, chi hội trưởng nông dân ấp, cũng lỗ lã, nợ quá hạn ngân hàng, nên vợ ông phải bỏ đi xứ khác làm mướn kiếm tiền nuôi con học đại học, còn ông ở lại vuông tôm... bám đất.

Anh Đỗ Ngọc Định, trưởng ấp 15, cho biết toàn ấp có 510ha nuôi trồng thủy sản. Từ khi chuyển sang nuôi tôm, thu nhập bình quân đầu người trong ấp rất cao, đến 25 triệu đồng/người/năm. Tổng thu nhập của ấp năm 2003 là 35 tỉ đồng. Nhưng sau đó thu nhập bình quân đầu người giảm dần, chỉ còn không quá 10 triệu đồng/người/năm. Hai năm qua, số hộ gặp rủi ro lên đến 90%, số hộ có lãi đếm được trên đầu ngón tay. Vụ tôm này chỉ mới có 22 hộ thả tôm nuôi với diện tích giống 22ha. Và trong số 22 hộ này đã có sáu hộ tôm chết sạch. Hộ có tiền bơm nước vào vuông nhưng không có tiền thả giống thì nhiều, bi kịch hơn là đến bơm nước vào vuông cũng không được vì không có tiền chạy máy bơm như tình trạng của bà Ba Đáy, Phạm Văn Nghĩa, Đỗ Văn Kiểu, Lê Văn Huynh...

Ấp 16, 17 của xã Vĩnh Hậu A cũng thảm thương tương tự: họ tối ngày đóng cửa im ỉm, không ai ở nhà vì sợ ngân hàng đến đòi nợ. Thấy cán bộ ngân hàng đến đầu ngõ là họ đóng cửa lại hoặc trốn trong buồng. Một cán bộ ngân hàng cho biết họ có ở nhà rõ ràng nhưng đến nơi thì con cháu nói bố mẹ đi làm ăn xa.

Nếu có gặp được ai thì họ cũng cười trừ chứ có tiền đâu mà trả. Chỉ riêng Ngân hàng Nông nghiệp đã có dư nợ trong ba ấp là 29,8 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn và nợ xấu là 22,4 tỉ đồng.

Không chỉ “Hai Lúa” nợ nần, doanh nghiệp cũng lao đao. Nhiều cơ sở cung cấp giống, thức ăn, vật tư thủy sản... đành phải đóng cửa vì... con tôm thất cơ lỡ vận. Anh Vũ Duy Tân là chủ cơ sở vật tư thủy sản ở ấp 15, thấy nông dân làm ăn khó khăn nên anh bán chịu, không ngờ họ thất bại nhiều năm liên tục nên anh cũng ngất ngư theo. Giờ đây anh phải đóng cửa cơ sở, bán hết đất trả nợ ngân hàng nhưng vẫn còn thiếu trên 200 triệu đồng, chưa kể còn nợ các công ty khác 700 triệu đồng.

Tâm sự với chúng tôi, anh Huỳnh Thanh Du, phó chủ tịch phụ trách kinh tế của xã Vĩnh Hậu, nói: “Khu vực này được tỉnh cho phép chuyển đổi từ nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản. Thời gian đầu dân làm ăn hiệu quả, trúng thấy mê. Sang năm thứ ba thì bắt đầu thất, dân nợ nần tăng lên nhiều. Toàn xã có 2.399 hộ, tổng dư nợ 41 tỉ đồng, nhưng trong đó có đến 38,3 tỉ đồng (93%) là nợ quá hạn, nợ xấu khó đòi. Số hộ làm hiệu quả rất ít. Khoảng 80% bằng khoán của hộ dân đã nằm ở ngân hàng, số còn lại cũng cầm cố hết”.

Ông Trần Thanh Tâm, phó chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, nói lãnh đạo địa phương đang tìm mọi cách để vận động người dân chuyển từ nuôi tôm sang con cua hay con cá cho phù hợp. Ông cho biết chỉ riêng xã Vĩnh Hậu, qua khảo sát có đến 106 hộ với 80ha để đất hoang vì không còn khả năng sản xuất.

Tại xã Vĩnh Mỹ A, một khu vực cũng chuyển đổi từ lúa sang nuôi tôm, người dân làm ăn liên tiếp thất bại. Không thể để cái nợ ngập đầu, họ đã phá vuông tôm, cho xe ủi lấp đất xuống để quay trở lại trồng lúa. Cứ tưởng rằng đất đã nhiễm mặn, nhưng không ngờ lúa vẫn trúng mùa, mỗi năm cũng được 8 tấn/ha. Giờ đây hàng loạt hộ dân Vĩnh Mỹ A đã trở lại đúng “bản chất nông dân” của mình. Họ nói với chúng tôi: “Không lẽ ngồi thừ ra mà chịu chết đói sao. Là nông dân, bao đời chỉ biết làm lúa, chuyển qua nuôi tôm với kỹ thuật ba mớ, trong khi hệ thống thủy lợi không đáp ứng được việc nuôi tôm, vốn lại không đủ thì làm sao chúng tôi trụ nổi với canh bạc đầy bất trắc với con tôm”.

Lãnh đạo một ngân hàng cho chúng tôi biết: xét về phương diện hiệu quả thì ngành ngân hàng thấy “thất bại” vì dự nợ quá hạn quá cao, nợ xấu nhiều trên tổng dư nợ. “Chính vì thế mà chúng tôi thấy ngành ngân hàng và thủy sản cần phải ngồi lại với nhau, thống nhất đánh giá được - mất thế nào mà từ đó đề xuất những bước đi tiếp theo, chứ như hiện tại thì rất khó mà tiếp tục đầu tư”.

Trước tình hình dư nợ quá hạn, nợ xấu quá nhiều vì nuôi tôm, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ra chỉ thị về tăng cường chỉ đạo thu hồi nợ quá hạn trong cán bộ, đảng viên, công chức. Mới đây, trong một báo cáo của tỉnh, số dư nợ quá hạn trong toàn tỉnh ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản lên đến cả ngàn tỉ đồng. Một số ngân hàng cũng bắt đầu đưa mấy anh “Hai Lúa nuôi tôm”... ra tòa vì nợ.

Chuyện con tôm, cây lúa giờ đây ở Bạc Liêu cũng nóng như hồi người dân từ bỏ ruộng lúa để chạy theo con tôm, nhưng có điều nóng ở chuyện nợ nần và cả chuyện chính quyền cứ mướt mồ hôi mà chạy theo nông dân!  

Ông Phạm Hoàng Bê, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu:
 Không xiết nợ

Sau mấy năm đầu nuôi tôm thắng lợi, thời gian gần đây tôm có biểu hiện chết dần và chết nhiều. Lý do là thiếu hệ thống xử lý về mặt môi trường. Rồi người nuôi không đảm bảo được nguyên tắc nuôi, điều kiện nuôi. Đến năm 2004 thì người dân bắt đầu rơi vào cảnh nợ nần.

Về quan điểm xử lý nợ, tỉnh quan tâm nhiều đến vấn đề nông dân có vốn sản xuất hay không, chứ không phải đặt nặng chuyện thu hồi nợ. Thật ra có thu được bao nhiêu đâu. Qua đánh giá lại, hộ nào nuôi tôm trúng thì phải giải quyết nợ với ngân hàng. Còn hộ nào đặc biệt khó khăn, nuôi thất bại nhiều năm qua thì giãn phần thu nợ để họ có điều kiện làm trả nợ, chứ không phải xiết nợ họ. Tỉnh ủy và UBND tỉnh không có bất kỳ chủ trương xiết nợ nào, mà chỉ đánh giá lại tình hình nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua ở vùng này để có biện pháp hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật, thậm chí tiếp tục cho họ vay nuôi.

Chúng tôi xác định có ba xã gặp khó khăn và đang cho ngành nông nghiệp, thủy sản đánh giá lại tình hình nuôi tôm ở ba xã này, coi khả năng chuyển đổi vừa qua có phù hợp hay không. Để từ đó có kiến nghị, điều chỉnh lại qui hoạch cho phù hợp, phát huy hiệu quả sản xuất. Thực tế vừa qua có một số hộ lấp vuông tôm để quay lại trồng lúa, có hiệu quả. Tỉnh có qui hoạch nhưng cũng để cho dân định đoạt trên phần đất của mình.