00:00 Số lượt truy cập: 2660164

Bí quyết giữ vườn tiêu sạch bệnh 

Được đăng : 03/11/2016
Bệnh chết nhanh do nấm phytopthora gây hại lan rộng trên các vùng trồng tiêu, làm cho nhiều nhà vườn tại lao đao. Trong khi đó, nhiều mô hình trồng tiêu tại Châu Đức và Xuyên Mộc “trụ” được nhờ vào cách làm tuy không mới nhưng hiệu quả.

NGĂN MẦM BỆNH LÂY TỪ… ĐÔI DÉP

Chị Trần Thị Thanh nhà tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức có 1 ha tiêu đã bước vào năm thứ sáu. Hàng năm chị thu được khoảng trên 3 tấn tiêu, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Bí quyết thành công của chị là: thay vì chỉ trồng một loại choái là trụ xây hoặc trụ sống như những người khác thì chị lại xen vào giữa 2 hàng trụ xây bằng một hàng trụ sống (gòn, trôm). Theo cách nghĩ đơn giản: Vì tiêu có nguồn gốc ở rừng và nằm dưới các tán cây, mình xen cây sống để tạo vườn mát mẻ, không bị khô. Khi hỏi vì sao không trồng một loại trụ, chị lý giải: “Nếu trồng toàn cây sống thì không trồng dày được vì tàn cây sẽ ra rất nhanh, nếu chặt không kịp vườn bị ẩm, tiêu dễ bệnh và rụng trái. Nếu trồng riêng trụ xây phải tốn vật liệu che để chống khô và nóng”.

Theo chị, để giữ vững vườn tiêu trước sự tấn công của bệnh chết nhanh cần có một chế độ phân bón phù hợp, tức là không nên dùng quá nhiều phân hóa học, tiêu rất dễ bị bệnh. Tuy nhiên cũng cần phải hạn chế việc đào xới quanh gốc tiêu vì rất dễ bị đứt rễ, mầm bệnh dễ xâm nhập. Bên cạnh đó, cũng cần phải hạn chế khách ra vào, vì mầm bệnh sẽ lây từ những vườn bệnh sang vườn khỏe từ… đôi dép của khách.

Anh Chúng Nàm Kiếu, người Hoa. Từ Long Khánh, Đồng Nai anh về Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc lập nghiệp năm 1999. Ban đầu anh mua 1,5 ha đất trồng tiêu và chỉ sử dụng cây choái là cây trôm. Năng suất vườn tiêu của anh luôn ổn định 3,5-4 tấn/năm. Mặc dù vườn toàn là giống Vĩnh Linh, nhưng điều đặc biệt là từ khi trồng đến nay đã trên 10 năm, chưa một trụ tiêu nào bị bệnh hoặc chết. Bí quyết thành công của anh là cách thoát nước tốt và dùng nấm đối kháng (Trichoderma) Anh cho biết: do vườn tiêu được trồng thưa, và thoát nước tốt, không để vườn bị ngập úng nên ít xảy ra dịch bệnh. Riêng chế độ phân bón, anh sử dụng rất ít phân hóa học, cân đối lượng phân NPK trong năm và tập trung dùng phân chuồng, rác, vỏ cà phê có sẵn; phân lân và nấm Trichoderma ủ hoai, sau đó bón cho vườn tiêu vào giai đoạn sau khi thu hoạch.

TỰ LÀM PHÂN HỮU CƠ VI SINH

Nhiều người trồng tiêu đã biết vai trò của nấm đối kháng (Trichoderma) trong việc hạn chế bệnh chết nhanh trên tiêu, tuy nhiên cách sử dụng mỗi người lại khác nhau. Nhiều người không làm như chị Thanh, anh Kiếu mà lại đem nấm đối kháng Trichoderma bón trực tiếp vào gốc tiêu. Theo TS Đỗ Trung Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu đất - phân bón, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thì việc bón trực tiếp nấm vào gốc cây mà không có chất hữu cơ thì sẽ mất tác dụng, vì vi sinh vật không có thức ăn và sẽ chết. Như vậy mất nhiều chi phí cho việc mua nấm đối kháng, nhưng không mang lại hiệu quả.

Vừa qua trong khuôn khổ dự án VVOB do tổ chức phi chính phủ Bỉ tài trợ, nhóm nông dân chuyên trồng tiêu và cà phê của CLB Tân Châu, xã Sông Xoài đã xây dựng kế hoạch thử nghiệm ủ phân hữu cơ vi sinh tại gia đình với các vật liệu như: vỏ thân bắp, vỏ cà phê, thân đậu phộng, phân bò, phân heo còn tươi …với phân lân và nấm Trichoderma. Kết quả thử nghiệm cho thấy, các chất hữu cơ mau hoai, tạo độ xốp cao. Hy vọng việc này sẽ giúp tạo nguồn phân hữu cơ dồi dào.

Ths Huỳnh Trấn Quốc, Trưởng phòng Nghiên cứu hệ thống canh tác, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận định: “Cách làm này không mới, nhưng rất hữu ích với những nông dân nghèo vùng sâu, vùng xa. Giúp họ tận dụng nguồn lực sẵn có tại địa phương, sản xuất ra phân bón tại nhà, cải tạo vườn, giảm chi phí, nâng cao độ phì của đất, hạn chế dịch bệnh trên tiêu và tạo ra sản phẩm an toàn”.