00:00 Số lượt truy cập: 2638319

Bức tranh kinh tế Chúc Sơn 

Được đăng : 03/11/2016
Thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ-Hà Tây) cách trung tâm tỉnh lỵ và thủ đô Hà Nội 15km, đời sống chủ yếu của nhân dân dựa vào sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây cơ chế thị trường phát triển, cán bộ và nhân dân địa phương đã nhạy bén chuyển dịch cơ cấu kinh tế với những bước đi thích hợp: Giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo giá trị thu nhập cao cho người lao động.

Điều đáng nói, năm 2006 thị trấn Chúc Sơn đã tạo được những bứt phá mạnh mẽ, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13%, không chỉ cân đối thu chi tại địa phương mà còn tăng vượt mức số thu nộp ngân sách được giao. Mục tiêu năm 2007 thực hiện giảm tỷ trọng nông nghiệp còn 25%, tăng tỷ trọng công nghiệp 43%, thương mại - dịch vụ 32%; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp về làng, tạo việc làm cho người lao động; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 8 triệu đồng là khả thi.

Đi giữa cánh đồng rau hàng hóa bát ngát, đồng chí Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp thị trấn Chúc Sơn cho biết: Là địa bàn hẹp, nhưng dân số đông, với 11 ngàn nhân khẩu sinh sống ở 13 khu dân cư, trong đó có 4 khu dân cư bám ven đường phố chủ yếu hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ khá sôi động. Qua trung tâm huyện Chương Mỹ, ai nấy đều thấy sự đổi thay, ven đường các ngôi nhà cao tầng kiểu cách sang trọng mọc lên các trung tâm kinh doanh dịch vụ với đủ các loại hàng hóa. Nhiều đại lý bán buôn, bán lẻ, kinh doanh xe máy, điện tử, điện lạnh, văn hóa phẩm, quần áo, hàng nông sản... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Bên cạnh đó là 9 khu dân cư nhân dân chuyên sản xuất nông nghiệp, bình quân diện tích canh tác đạt 240m2/khẩu, vấn đề đất ít nhưng làm thế nào để có thu nhập cao? Bài toán về chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở thị trấn đặt ra cần có lời giải với hướng đi phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Mặc dù hiện nay thị trấn mới có thôn Ninh Sơn hoàn thành dồn ô đổi thửa, mỗi hộ có từ 1-2 ô thửa rất tiện lợi cho canh tác đạt giá trị cao, còn lại các địa bàn khác đang trong quá trình bàn bạc dồn đổi ô thửa, song UBND thị trấn Chúc Sơn đã quy hoạch những vùng chuyển đổi mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung và bố trí đất cho phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Thị trấn có 265 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đã quy hoạch thực hiện 100ha chuyên trồng rau hàng hóa và cây màu, đất trong tay bà con xã viên đã được thâm canh tăng vụ, quay vòng từ 4-5 vụ/năm. Nhận rõ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rau xanh của thị trường Hà Đông và ngay địa bàn thị trấn, trong số 41/100ha khu chuyên trồng rau hàng hóa được bà con xã viên cần mẫn sản xuất tăng vụ, mùa nào có thứ rau đó, su hào, cải bắp, hành hoa, xà lách, rau mùi... phủ xanh bát ngát trên cánh đồng; sang vụ hè thu, đất lại được quay vòng trồng đậu, bí, cải ngọt... giá trị thu nhập bình quân đạt 70 triệu đồng/ha/năm.

Để tạo những bước phát triển mới, hiện thị trấn đang triển khai thí điểm 2 ha đất chuyển trồng rau an toàn theo công nghệ sạch trong nhà lưới tại khu đồng thôn Giáp Ngọ, có 49 hộ đăng ký tham gia, đã được tập huấn kỹ thuật cách ghi chép nhật ký trồng, chăm sóc, bón lót, thu hoạch... Để thực hiện hiệu quả dự án này, thị trấn đã phối hợp với đơn vị có uy tín giúp đỡ công tác bảo vệ thực vật theo công nghệ chăm sóc rau sạch, thành công của mô hình sẽ là cơ sở mở rộng diện tích rau an toàn trong thời gian tiếp theo. Kế hoạch “đầu ra” của rau an toàn sẽ cung cấp cho bếp ăn tập thể, nhà trẻ, bệnh viện và siêu thị ở Hà Đông, Hà Nội.

Thị trấn còn rất chú trọng đến sản xuất cây lúa kết hợp với thực hiện các mô hình (lúa - cá - vịt), thực tế từ mô hình chuyển đổi 6 ha đồng trũng (thôn Ninh Sơn) đã đạt hiệu quả cao gấp từ 2-3 lần so với trồng lúa. Hiện HTX đã quy hoạch trình UBND và HĐND thị trấn cho chuyển đổi 30ha diện tích các khu đồng sâu trũng thực hiện mô hình lúa - cá - vịt và 5ha ở khu đồng gò cao thuộc các thôn: An Phú, Giáp Ngọ để chuyển xây dựng trang trại chăn nuôi ra xa khu dân cư. Mặc dù diện tích canh tác trồng lúa giảm, nhưng nhờ có kỹ thuật thâm canh tốt nên năng suất lúa tăng, năm 2006, tổng sản lượng lương thực của thị trấn đạt 2.452,7 tấn, tăng 208,7 tấn (đạt 109,28% so với cùng kỳ năm trước). Bình quân giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 42,9 triệu đồng/năm.

Đồng thời với đó là khuyến khích bà con đưa nghề mới về làng, tiếp tục khôi phục sản xuất hàng mây, tre đan nhằm tận dụng lao động nông nhàn có tăng thu nhập. Hiện thị trấn đã hoàn thành quy hoạch 21,6ha xây dựng điểm công nghiệp tại khu vực ngã tư Ninh thuộc khu đồng Tràng An và đồng Mả Lanh, đã thu hút hơn chục nhà máy về làng, trong đó có 8 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, bao gồm DN sản xuất mây, tre đan, bao bì xuất khẩu, sản xuất cơ khí và rượu... bước đầu đã thu hút lao động địa phương vào sản xuất có thu nhập ổn định. Cũng tại khu vực ngã tư Ninh thị trấn đã quy hoạch 6 ha đất để xây dựng bến xe tĩnh và trung tâm thương mại; nâng cấp chợ Chúc Sơn, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở mang dịch vụ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại.

Đó là hiệu quả bức tranh chuyển đổi kinh tế, tạo tiền đề cho thị trấn Chúc Sơn vươn lên hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội những năm tiếp theo cao hơn, vững vàng trong hội nhập kinh tế quốc tế.