00:00 Số lượt truy cập: 2662206

Buồn vui nghề nuôi tôm sú 

Được đăng : 03/11/2016

Khác với mọi nghề trong sản xuất nông nghiệp, nghề nuôi tôm sú công nghiệp thất bại có nghĩa là trắng tay. Sức hút lợi nhuận từ con tôm sú, khiến nhiều người dân buộc phải chấp nhận một cuộc chơi đầy rủi ro.


Vài năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng, vốn, tập huấn kỹ thuật lại được thiên nhiên ưu đãi, cùng tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, nên năng suất nuôi tôm sú ở Sóc Trăng bình quân đạt khá cao từ 4,2-4,5 tấn/ha với mô hình công nghiệp; từ 1,4-1,6 tấn/ha mô hình bán công nghiệp. Đặc biệt, khá nhiều hộ áp dụng quy trình nuôi công nghệ sinh học Vitedi cho năng suất kỷ lục từ 12-14 tấn/ha. Sau vụ nuôi có từ 80-85% hộ nuôi có lãi từ 70-200 triệu đồng/ha.


 

Niềm vui được mùa


 

Vùng nuôi tôm sú công nghiệp tập trung ở Sóc Trăng như xã Liêu Tú, Trung Bình (Long Phú), Thạnh Thới Thuận, Ngọc Tố (Mỹ Xuyên), Hòa Đông, Vĩnh Phước, Vĩnh Hiệp (Vĩnh Châu), những vuông tôm được thiết kế trông rất đẹp mắt. Những giàn quạt được bố trí đều khắp trong ao, luôn quay đều tung bọt nước trắng xóa. Những làng xóm nghèo xưa, nay được thay thế bằng nhà ngói, lót gạch men khang trang. Ruộng đồng giờ đây lùi xa, nhường chỗ cho ao đìa nuôi tôm bung ra san sát. Ít ai nghĩ rằng đất nơi này, ngày nào cho không chẳng ai dám nhận, nay tăng rất nhanh từ 150 - 200 triệu đồng/ha.


 

Chúng tôi ghé thăm trang trại nuôi tôm sú công nghiệp của anh Quách Hoàng Phong ở ấp Biển Trên, xã Vĩnh Phước, huyện Mỹ Xuyên. Vừa dẫn chúng tôi tham quan, anh Phong kể chuyện nuôi tôm sú thương phẩm theo quy trình GAP. Mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, bảo đảm chất lượng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, đáp ứng tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng thuỷ sản theo HACCP. Với quy trình này, hai năm gần đây trên diện tích 90 ao ( 4.500-5000 m2/ao) đã cho anh doanh thu từ 20-22 tỷ đồng/năm. Theo thạc sĩ Phạm Hữu Lai - phó giám đốc Sở Thủy sản Sóc Trăng, hai năm trước, giữa lúc nghề nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL lâm vào tình trạng tôm sú chết hàng loạt trên diện rộng trong giai đoạn từ 30 - 60 ngày tuổi, thì các hộ nuôi tôm sú công nghiệp ở Sóc Trăng lại bội thu. Với mô hình khép kín, môi trường nước được quản lý chặt chẽ, chọn con giống tốt thông qua xét nghiệm, nên người nuôi rất ít bị rủi ro.


 

Cuộc sống ở các xã ven biển Mỹ Thanh đang thay đổi từng ngày. Từ những cánh đồng hoang hóa, nay trở thành những thành phố vuông tôm, thật là ấn tượng.


 

Nỗi buồn nghề nghiệp


 

Khác với mọi nghề trong sản xuất nông nghiệp, nghề nuôi tôm sú công nghiệp thất bại có nghĩa là trắng tay. Sức hút lợi nhuận từ con tôm sú, khiến nhiều người dân buộc phải chấp nhận một cuộc chơi đầy rủi ro. Anh Nguyễn Văn Sáu ở xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, giãi bày: “Tôi đã lỗ mấy chục triệu đồng để đi mua kinh nghiệm”. Thấy nhiều nơi nuôi tôm sú bán công nghiệp lãi nhiều theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, chỉ sau 3,5 - 4 tháng nuôi có thể thu lời lớn, anh liền đầu tư vào cải tạo 1,2 ha đất ruộng lúa, với vài ngày cho việc cải tạo đất, dẫn nước vào thả tôm giống ngay. Sau gần bốn tháng nuôi, kết quả tôm không lớn mà chết dần, con nào cũng nhỏ xíu đen bóng, vỏ bị sần lên bắt buộc phải thu hoạch. Các chuyên gia thủy sản xuống bắt bệnh được ngay, nguyên nhân là do cải tạo đất chưa tốt còn phèn nặng (PH), anh Sáu lỗ vốn cả trăm triệu đồng.


 

Đất mới khai phá, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh nuôi tôm sú thất bại đã đành. Nhưng “cơm đã lên mâm, chỉ việc cầm đũa” mà vẫn bại như trường hợp anh Phan Văn Sơn ở xã Vĩnh Hiệp-Vĩnh Châu. Anh kể: “… đi nhiều nơi thấy nuôi tôm sú công nghiệp, lợi nhuận thấy ham. Về nhà thiếu vốn anh vay thêm người thân, bạn bè, ngân hàng trên 150 triệu đồng, tập trung vào 2 ha (4 ao). Suốt gần 2 tháng mướn máy ủi, đào hơn 20.000 m3 đất, mua máy bơm, giàn quạt nước, thả 200.000 con tôm post…”. Nhưng niềm vui không đến với anh !. Sau 60 ngày thả, tôm phát bệnh chết dần và chết hàng loạt không thu được đồng nào, tôm cho không cũng không ai nhận!.


 

Ông vua tôm sú ở Sóc Trăng, Đinh Thiên Cần khẳng định “ không ai nuôi tôm sú công nghiệp mà thành công ngay”. Theo ông, nguyên nhân lớn nhất là do nóng vội. Bởi người nuôi muốn làm giàu ngay mà không nghiên cứu kỹ hệ thống thủy lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật, con giống chất lượng không bảo đảm sạch bệnh, môi trường nước, thời tiết, mùa vụ… Ông Cần khuyên: "Nếu làm nhà tính một thành hai, còn nuôi tôm sú công nghiệp thì phải tính một thành bốn. Do vậy, không tính kỹ sẽ “đứt gánh”. Đừng nuôi tôm sú công nghiệp theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa và ỷ lại". Còn anh Tăng Văn Xúa ở xã Hòa Đông (Vĩnh Châu) thì cho rằng, chọn con giống tốt đã nắm chắc phần thắng khoảng 70% và không nên nuôi tôm sú mùa nghịch.