00:00 Số lượt truy cập: 2668874

Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng mạnh về giá trị xuất khẩu 

Được đăng : 03/11/2016

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 10 tháng năm 2011, tuy khối lượng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị tăng khá mạnh do giá tăng cao. Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2011, với đà tăng trưởng này, ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang có nhiều khả năng sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu đề ra (23 tỷ USD) cho năm 2011.


 

 Ảnh minh họa (nguồn: MP)

Theo Bộ NN&PTNT, điều kiện thị trường trong và ngoài nước có những tín hiệu khả quan chính là những yếu tố để xuất khẩu nông sản tăng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 10 ước đạt 2,2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm lên 20,8 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng xấp xỉ 45%; thuỷ sản ước đạt 4,95 tỷ USD, tăng 23,2%; lâm sản đạt 3,4 tỷ USD, tăng 16,2%.

Gạo là mặt hàng nông sản chính chủ lực chiếm tỷ trọng cao xuất khẩu cao, tháng 10 xuất khẩu ước đạt 550 ngàn tấn, kim ngạch đạt 300 triệu USD, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 6,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD, tăng 11,6% về lượng và 20,3% về giá trị. Qua thống kê, giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm đạt 500 USD/tấn, tăng xấp xỉ 7% so với cùng kỳ năm 2010. In-đô-nê-xia tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với mức tăng gấp 3,4 lần về lượng và gấp 2,8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường khác như Xê-nê-gan cũng tăng gấp hơn 5 lần và Trung Quốc tăng gấp hơn 3 lần về giá trị so với cùng kỳ. Trong khi đó, thị trường Phi-lip-pin và Xinh-ga-po lại sụt giảm khá mạnh. Để bù vào sự sụt giảm của hai thị trường trên, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới như Băng-la-đet, Xê-nê-gan, Bờ Biển Ngà và Gana.

Mặt hàng cà phê được đánh giá là mặt hàng tăng trưởng ấn tượng về giá trị. Ước xuất khẩu cà phê tháng 10 đạt 35 ngàn tấn với trị giá 80 triệu USD, đưa lượng xuất khẩu 10 tháng lên hơn 1 triệu tấn và giá trị đạt 2,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 6% về lượng và 60,6% về giá trị so với năm 2010. Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục tăng, trong khi đó nguồn cung nội địa lại giảm đẩy giá cà phê trong nước tăng mạnh. Giá xuất khẩu bình quân 9 tháng đang ở mức 2.209 USD/tấn tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn, xuất khẩu tháng 10 ước đạt 180 ngàn tấn, trị giá 65 triệu USD, đưa lượng xuất khẩu 10 tháng lên 2,3 triệu tấn và giá trị đạt 815 triệu USD, tăng 60,5% về lượng và 93,4% về giá trị so với năm 2010. Giá xuất khẩu bình quân 9 tháng tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 355,9 USD/tấn. Thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng này là Trung Quốc, chiếm 92,4% tổng giá trị xuất khẩu.

Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 10 ước đạt 80 ngàn tấn và thu về 342 triệu USD, với ước tính này 10 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 608 ngàn tấn với trị giá 2,6 tỷ USD; tăng 2,7% về lượng và 57,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2010. Xuất khẩu cao su tăng trưởng về kim ngạch ở hầu hết các thị trường dù lượng xuất khẩu sang một số thị trường sụt giảm. Giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm tăng 56,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.325 USD/tấn.

Mặt hàng hồ tiêu được đánh giá tăng mạnh nhất về giá trị trong nhiều năm trở lại đây. Xuất khẩu tháng 10 ước đạt 10 ngàn tấn, kim ngạch đạt 72 triệu USD đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 10 tháng lên con số 120 ngàn tấn với giá trị kim gạch xuất khẩu 702 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và gấp gần 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng mạnh, giá bình quân 9 tháng đạt 5.730 USD/tấn tăng 69,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung hạn chế khiến lượng xuất khẩu sang một số thị trường sụt giảm, nhưng kim ngạch vẫn tăng khá mạnh như Hoa Kỳ, Các TVQ Ả Rập thống nhất, Ấn Độ, Pakixtan đều gấp hơn 2 lần về giá trị và Ai Cập, Tây Ban Nha, Xingapo tăng gấp hơn 3 lần về giá trị.

Một số mặt hàng nông sản khác như chè và hạt điều, tuy sản lượng chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm nhưng do giá trị tăng nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ. Ước xuất khẩu chè tháng 10 đạt 15 ngàn tấn với kim ngạch đạt 25 triệu USD, đưa tổng lượng chè xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 112 ngàn tấn, kim ngạch đạt 173 triệu USD, tăng nhẹ 1,6% về lượng và tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hạt điều, tháng 10 xuất khẩu ước đạt 20 ngàn tấn với giá trị 190 triệu USD, đưa tổng lượng xuất khẩu 10 tháng đầu năm ở mức 146 ngàn tấn với trị giá 1,2 tỷ USD, mặc dù lượng giảm (-8,1%) nhưng kim ngạch vẫn tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2010.

Cùng với các mặt hàng về nông sản, lâm sản và đồ gỗ cũng có sự tăng trưởng khá. Tháng 10, xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính và đồ gỗ ước đạt 381 triệu USD đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 3,4 tỉ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 17,2%; sản phẩm mây tre, cói thảm ước đạt 160 triệu USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thuỷ sản cũng góp phần vào sự khởi sắc chung của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 10 ước đạt 600 triệu USD đưa giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm đạt 4,95 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khá về giá trị, điển hình như Hoa Kỳ tăng 27,7%, Hàn Quốc 38,1%, Trung Quốc 47,5%, và Italia 42,1%.

Được biết, hiện thị trường thế giới đang tạo thuận lợi lớn cho hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản được dự báo có nhiều thách thức, nguyên nhân là do những biện pháp bảo hộ phi thuế dành cho nông, lâm, ngư nghiệp gần như được bãi bỏ hết, hầu hết hàng hóa đều được quản lý theo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Để xuất khẩu nông sản bền vững, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nên đẩy mạnh đầu tư vào khâu chế biến, đảm bảo các quy định trong khâu sản xuất và chế biến nông, thủy sản... đủ tiêu chuẩn vượt qua các rào cản ngặt nghèo khi vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản...Hiện Bộ NN&PTNT đang rà soát và lập quy hoạch mới các vùng nuôi trồng nguyên liệu, áp dụng tiêu chuẩn VietGap đối với các cơ sở sản xuất với khối lượng xuất lớn. Bộ cũng sẽ thực hiện chương trình giúp các doanh nghiệp củng cố và mở rộng các thị trường truyền thống, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường mới ở Châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ.