00:00 Số lượt truy cập: 2668747

Cách nuôi tôm mới ở Bạc Liêu 

Được đăng : 03/11/2016
Gần đây ở Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm vi sinh đem lại hiệu quả kinh tế cao và có tính bền vững, mở ra cho tỉnh một triển vọng mới, hướng làm ăn mới...



Từ năm 2000 đến nay, Bạc Liêu chuyển hơn 80.000 ha đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản (NTTS), nâng tổng số diện tích NTTS của tỉnh lên gần 180.000 ha. Ðiều đáng lưu ý là, sau hơn sáu năm thực hiện chuyển đổi sản xuất, đời sống không ít nông dân lại gặp nhiều khó khăn. Cùng với việc chuyển đổi sản xuất ồ ạt, cũng xuất hiện tình trạng nợ ngân hàng, bỏ đất trống và môi trường đất, nước bị ô nhiễm nặng.


Hạn chế của mô hình nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp


Do việc chuyển đổi sản xuất diễn ra quá nhanh, trong khi đó lại thiếu quy hoạch, việc đầu tư làm thủy lợi, khoa học - kỹ thuật chưa thỏa đáng, thời gian qua, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 2.000 ha NTTS phải bỏ hoang. Ðiều đáng nói là hầu hết diện tích này là diện tích làm theo mô hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp (CN-BCN). Ở TX Bạc Liêu, ai cũng biết ông Hai Tệch là người đầu tiên bỏ ra hơn hai tỷ đồng để đầu tư nuôi tôm công nghiệp tại xã Hiệp Thành vào năm 2000. Hai vụ đầu, ông Hai Tệch lãi hai tỷ đồng. Chính ông là một trong những người tạo ra "cơn sốt" đua nhau mua đất nuôi tôm tại vùng đất ven biển Bạc Liêu. Nhưng nay mọi chuyện đã khác. Mới đây, gặp chúng tôi, ông than thở: "Tôi thất bại liên tiếp mấy năm nay. Hiện toàn bộ 60 ha đất chẳng ai mua, chẳng ai mướn vì bị ô nhiễm nặng. Bây giờ đầu tư tiếp cũng chẳng dám vì đã hết vốn. Ðúng là nghề nuôi tôm sú công nghiệp mau giàu, nhưng nợ nần như chúa chổm cũng chẳng mấy chốc". Trường hợp như ông Hai Tệch ở Bạc Liêu khá phổ biến. Chỉ tính riêng tại TX Bạc Liêu, hiện có 1.252 ha đất nuôi trồng thủy sản theo mô hình CN-BCN bỏ trống...


Nuôi tôm bằng chế phẩm vi sinh - hướng làm ăn mới


Thời gian gần đây, tại Bạc Liêu, nhiều hộ nuôi tôm đã áp dụng phương pháp nuôi có sử dụng chế phẩm vi sinh. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả khá cao, có đến gần 80% số hộ áp dụng mô hình này thu lợi nhuận ổn định. Ưu điểm của mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm vi sinh là tạo nên môi trường sạch, chi phí thấp, tôm phát triển nhanh và hạn chế dịch bệnh, nhất là bệnh đốm trắng, đầu vàng, phân trắng... Theo kết quả khảo sát của Sở Thủy sản, nuôi tôm sử dụng chế phẩm vi sinh ngày càng phổ biến. Về mật độ nuôi 10 - 20 con/m2 chiếm 60%, trong đó số hộ sử dụng chế phẩm vi sinh đạt hiệu quả gần 80%. Ðối với hai dạng mật độ dưới 10 con/m2 chiếm 11% và dưới 20 con chiếm 29%, thì những hộ chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh đạt hiệu quả từ 65 đến 75%.


Mô hình nuôi tôm ứng dụng vi sinh ngày càng được nhân rộng và đã xuất hiện nhiều điển hình làm ăn hiệu quả. Có thể kể tới ông Võ Hồng Ngoãn, ở xã Vĩnh Trạch Ðông, TX Bạc Liêu. Ông Ngoãn cho biết, ông nuôi tôm theo quy trình sinh học, mật độ từ 7 đến 10 con/m2. Trong quá trình nuôi tôm, định kỳ hằng tuần ông mang nước ao lên Trung tâm Khuyến ngư tỉnh để kiểm tra. Nếu mẫu nước trong ao có nhiều vi khuẩn gây hại cho tôm thì ông xử lý bằng đánh vi sinh liều cao để khống chế. Mới đây, ông thu hoạch vụ tôm trúng đậm, đạt gần 30 tấn tôm, thu lãi hàng tỷ đồng.


Từ năm 2004 đến nay, ông Dương Văn Mến, ở xã Long Ðiền Ðông, huyện Ðông Hải, chuyển sang quy trình nuôi tôm sử dụng chế phẩm vi sinh, do vậy môi trường ao nuôi luôn ổn định, tôm phát triển nhanh, thịt tôm sạch, năng suất và lợi nhuận cao.


Nuôi tôm sạch đáp ứng yêu cầu xuất khẩu


Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, làm sao để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu là yếu tố rất quan trọng. Ðể nâng cao hiệu quả cho người nuôi tôm, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm rủi ro trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Bạc Liêu chủ trương quy hoạch, xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm vi sinh, nuôi tôm sạch... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ðồng chí Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản, cho biết: Khâu chế biến xuất khẩu của nước ta đang bị rào cản thương mại kiểm tra rất gắt gao về dư lượng kháng sinh, nguồn gốc tôm nuôi, việc dùng nguyên liệu như thế nào... Nếu sử dụng nhiều kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi thì xem như vùng nuôi đó không đạt yêu cầu. Vì vậy, bà con nên nuôi theo quy trình sinh học để đạt chất lượng tôm sạch. Qua áp dụng và được các ngành chức năng công nhận, khi sử dụng chế phẩm vi sinh vào nuôi tôm, về trước mắt cũng như lâu dài sẽ không ảnh hưởng môi trường, góp phần bảo đảm sức khỏe cho con người và vật nuôi.


Về việc đưa chế phẩm sinh học EM vào ứng dụng tại Bạc Liêu, đồng chí Ðỗ Mạnh Thường, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh cho biết thêm: Cách đây mấy năm, Bạc Liêu nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật chế phẩm EM từ Trung tâm nghiên cứu vi sinh ứng dụng Trường đại học Quốc gia Hà Nội, sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản. Ðây được xem là bước khởi đầu thuận lợi cho tỉnh vì lúc đó chưa có địa phương nào trong cả nước được chuyển giao công nghệ này. Công nghệ sản xuất chế phẩm EM được giao cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học - Công nghệ Bạc Liêu triển khai. Kể từ đó, chế phẩm EM được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường tại Bạc Liêu. Ưu điểm nổi bật của việc nuôi tôm theo phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học EM là cải thiện chất lượng nước, làm phân hủy nhanh các chất cặn bã hữu cơ, nhất là các chất dư thừa từ thức ăn của tôm, ổn định độ pH (độ phèn), hạn chế ô nhiễm môi trường nước, đất..., giúp cho người nuôi tôm thu được hiệu quả kinh tế cao và bền vững.


Tuy nhiên, chúng tôi được biết, người nuôi tôm theo mô hình áp dụng chế phẩm vi sinh còn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn chế phẩm này, vì hiện tại trên thị trường bán nhiều loại, do vậy không ít người, nhất là nông dân không biết lựa chọn loại chế phẩm nào đúng chất lượng, phù hợp và có hiệu quả. UBND tỉnh Bạc Liêu cần chỉ đạo Sở Thủy sản, Sở Khoa học - Công nghệ và các ngành có liên quan kết hợp các cấp chính quyền tổ chức rút kinh nghiệm thường xuyên, đồng thời nhân rộng mô hình nuôi tôm vi sinh để bà con áp dụng. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân nuôi tôm theo quy trình vi sinh theo hướng bền vững. Xúc tiến xây dựng nhiều chợ tôm sạch, các nhà máy chế biến, thu mua tôm sạch và xuất khẩu với giá cao hơn, nhằm khuyến khích người nuôi tôm sạch theo công nghệ vi sinh. Tỉnh cần có cơ chế thu hút đầu tư để các công ty sản xuất chế phẩm sinh học và thức ăn công nghiệp bổ sung men vi sinh..., nhằm từng bước khắc phục tình trạng nuôi tôm kém hiệu quả như thời gian qua, xác lập một quy trình nuôi tôm hiệu quả cao và bền vững trong những năm tiếp theo, giúp hàng chục nghìn hộ nuôi tôm trong tỉnh nuôi tôm theo phương pháp mới...