00:00 Số lượt truy cập: 2666982

Cải tạo vườn xoài ở vùng duyên hải Nam Trung bộ 

Được đăng : 03/11/2016
Vùng duyên hải Nam Trung bộ có diện tích trồng xoài khá lớn, lên tới gần 10.000ha. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây một số giống xoài di thực từ nhiều địa phương khác đến trồng tại Bình Định và Khánh Hoà với diện tích khá lớn (khoảng 15- 20% tổng diện tích của cả vùng) nhưng đa số các giống khó ra hoa, đậu quả hoặc cho quả kém. Do hiệu quả thu hoạch thấp nhiều hộ gia đình đã chặt bỏ xoài để trồng cây khác gây dư luận không tốt, ảnh hưởng lớn đến chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp mũi nhọn của từng tỉnh nói riêng và cả vùng duyên hải Nam Trung bộ nói chung.





Sau nhiều năm nghiên cứu, xây dựng các mô hình thử nghiệm thành công, mới đây Viện Nghiên cứu rau quả và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đã khuyến cáo bà con nông dân các tỉnh trong vùng cải tạo vườn xoài tạp, năng suất thấp bằng một số biện pháp kỹ thuật tiên tiến. NNVN giới thiệu qui trình tóm tắt để bà con các địa phương tham khảo, áp dụng.



I. Đối với vườn xoài giống Canh nông:


1. Tỉa cành, tạo tán: Cắt tỉa bỏ các cành tăm, cành vượt, cành vô hiệu, cành bị sâu bệnh bên trong tán. Các thời điểm cắt tỉa, tạo tán tốt nhất là cuối tháng 7 (sau khi thu hoạch xong kết hợp làm cỏ, bón phân cơ bản cho cây), tháng 9 (đầu mùa mưa) và tháng 11 (sau mùa mưa). Kết hợp với cắt tỉa, tạo tán cần cày xới đất theo mép tán vào thời điểm tháng 11 cho đất tơi xốp.


2. Phân bón: Lượng phân bón tính cho 1ha gồm: 10 tấn phân chuồng + 300kg phân urê + 600kg NPK loại 16-16-8 + 400kg supe lân. Có thể tăng hoặc giảm lượng tuỳ theo tuổi cây và sản lượng thu hoạch nhưng cần duy trì cân đối tỷ lệ NPK. Bón phân theo rãnh xung quanh tán vào các thời điểm: Phân chuồng và urê bón sau thu hoạch, cuối tháng 5 đầu tháng 6; đến đầu mùa mưa (tháng 9) bón 60% phân NPK và 100% supe lân; vào cuối mùa mưa (tháng 11) bón 40% lượng NPK còn lại.


3. Xử lý ra hoa: Dùng Paclobutazol 1,2% hoặc KClO3 1,2% để xử lý ra hoa theo phương thức sau: Phun lần 1 từ 15/11 đến 20/11, phun tiếp lần 2 sau lần 1 10 ngày. Chú ý phun ướt hết cả mặt trên và mặt dưới lá mới có tác dụng kích thích cây phân hoá mầm hoa và nở hoa đều.


4. Phòng trừ sâu bệnh hại: Nên phun các loại thuốc hỗn hợp sau để phòng trừ sâu bệnh hại trên xoài: Shetox + Bavistin, Omcol + Ridomil ...vào các thời điểm:Trước khi cây ra lộc, trước khi phân hoá mầm hoa, khi mầm hoa được 2-5cm, khi quả non đã to bằng hạt ngô.


5. Tưới nước: Trong điều kiện đất quá khô hạn, độ ẩm đất thấp, cần tưới nước bổ sung, đặc biệt là vào các thời điểm cây nở hoa, đậu quả và nuôi quả lớn.


II. Đối với các vườn xoài năng suất thấp:


1. Ghép thay đổi giống xoài: Với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ nên dùng các giống xoài Ấn Độ lai đã được bình tuyển hoặc các giống cho năng suất cao, chất lượng tốt, dễ ra hoa, đậu quả như GL1, KL2, Đá Trắng... để ghép cải tạo, thay giống cho các giống xoài địa phương năng suất thấp, chất lượng kém. Với các vườn xoài trẻ (5-7 tuổi) thì vào tháng 11-12 hàng năm dùng cưa cắt ngang thân chính ở độ cao từ 1,2-1,5m so với mặt đất, đến tháng 2-3 khi các chồi mới bật lên dài 30-40cm, đường kính chồi 1,5-2cm thì ghép thay giống bằng kỹ thuật ghép nêm nối ngọn (ghép đoạn cành). Mỗi cây nên ghép từ 10-12 chồi. Với các cây xoài còn thấp thì tiến hành ghép thay tán bằng cách tỉa thưa, giữ lại khoảng 100 cành ngọn phân đều về các phía rồi ghép thay giống vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm.


2. Chăm sóc sau ghép: Tháo bỏ dây ghép bằng nilon khi thấy chồi ghép đã sống, bật chồi mới, xoa hết các chồi vượt từ gốc ghép để tập trung dinh dưỡng nuôi các chồi ghép phát triển nhanh. Tiếp tục chăm sóc bình thường như những vườn xoài kinh doanh khác.