00:00 Số lượt truy cập: 2667944

Cần Thơ: Tuyển chọn bộ giống lúa cho vùng khó khăn của vùng ĐBSCL 

Được đăng : 03/11/2016

Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (Viện lúa Ô Môn- Cần Thơ) đã tổ chức đưa vào thực nghiệm các giống lúa cho vùng khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Các vùng khó khăn được xác định là có diện tích nhiễm phèn nặng, các vùng đất nhiễm phèn, nhưng chưa được công tác thủy lợi rửa phèn, đất đai kém màu mỡ, trồng lúa gặp khó khăn, năng suất không cao, trong khi chi phí đầu tư ngày càng tăng do giá cả phân bón, vật tư tăng. Các giống lúa cho vùng khó khăn sẽ được triển khai trong thời gian tới là OM 6677, OM 4274, OM 2818, OM 6074, AS 996, OM 4276, OM 2488, OM 6690, OM 3246, OM 5981...

Các giống lúa này được lai tạo, thí nghiệm tại viện lúa Ô Môn và đã được các cộng tác viên khoa học của các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang tổ chức đưa vào trồng thử nghiệm trên vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, đất kém dinh dưỡng... cho kết quả tốt. Năng suất tuy không cao bằng các giống lúa chủ lực, nhưng có ưu điểm là thích nghi tốt với các vùng đất có điều kiện sản xuất khó.

Trong thời gian tới, Viện lúa Ô Môn sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao các giống lúa này cho các vùng khó khăn, với phương thức giúp cho các địa phương tổ chức trồng thực nghiệm, qua đó đánh giá kết quả và triển khai rộng ra các vùng, có cùng đặc điểm sinh thái.

ngoài ưu thế về việc thích ứng với các vùng đất, giống lúa cho vùng khó khăn còn thích ứng với việc chống chịu dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, nên sẽ giảm được chi phí điều trị sâu bệnh, nếu áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh. Năng suất bình quân các giống lúa này đạt từ 4 tấn đến 4,5 tấn/ha./.