00:00 Số lượt truy cập: 2638345

Cần chú ý bệnh cháy bìa lá lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Bệnh cháy bìa lá (bạc lá lúa) do vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây ra. Bệnh có thể phát sinh gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Tuy nhiên, thường gây hại nhiều từ khi lúa đứng cái trở đi.

Trên bề mặt lá lúa bị bệnh, vào những ngày mưa ẩm hoặc vào sáng sớm thường xuất hiện những giọt keo vi khuẩn màu vàng ứa ra từ chỗ vết bệnh; thông qua sự va chạm giữa các lá lúa, vết bệnh lây lan sang các lá khác.

Nếu lúa bị nhiễm bệnh sớm, bệnh có thể gây hại nặng: làm cháy lá lúa hoặc cả bụi, làm cây bị tàn lụi, tỷ lệ lép lửng rất cao, năng suất giảm nghiêm trọng. Bệnh lây truyền cho vụ sau chủ yếu qua hạt giống và tàn dư của cây lúa bị bệnh trên đồng ruộng ở vụ trước.

Bệnh thường phát sinh và gây hại nặng khi nhiệt độ không khí khoảng 26-30 độ C, ẩm độ không khí trên 90%, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết có mưa to, gió lớn hoặc bão.

Để hạn chế tác hại của bệnh, phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp sau:

Ở những vùng thường bị bệnh gây hại nặng hàng năm, bà con nên chọn những giống ít bị nhiễm bệnh để gieo sạ (tốt nhất nên tham khảo ý kiến của cán bộ bảo vệ thực vật hoặc khuyến nông địa phương). Không nên gieo sạ những giống đã bị nhiễm bệnh nhiều như Jasmine, Khao Dawk Mali… Không nên mua giống trôi nổi trên thị trường hoặc dùng lúa thịt để làm giống.

Trước khi làm đất phải thu gom sạch rơm rác, tàn dư của cây lúa từ vụ trước và cỏ dại trên ruộng. Bón phân cân đối, giảm bớt nguồn đạm vô cơ, nếu có điều kiện nên tăng cường phân hữu cơ đã được ủ hoai mục.

Phải kiểm tra ruộng lúa thường xuyên, nếu thấy lúa chớm bị bệnh cần ngưng bón đạm, bón bổ sung kali rồi dùng một số loại thuốc như: Alpine 80WDG, Vialphos 80WP, Aliette 80WP, Binhconil 75WP, Hỏa tiễn 50SP… để phun xịt.