00:00 Số lượt truy cập: 2667574

Cao Bằng: Huyện Hà Quảng xây dựng phương thức 2 cây + 1 con để giảm nghèo 

Được đăng : 03/11/2016

Từ đầu năm nay, huyện Hà Quảng (địa phương có tỷ lệ nghèo đói nhất tỉnh) bắt đầu triển khai mô hình 2 cây + 1 con (cây lạc, cây thuốc lá + con bò) để nâng cao hệ số và giá trị sử dụng đất, hình thành tập quán sản xuất mới, góp phần giảm nhanh số hộ đói nghèo ở địa phương.

 

 


Sau 2 vụ trồng thử nghiệm, năm nay, Hà Quảng triển khai đại trà trồng 300 ha lạc tại vùng Lục Khu gồm 12 xã vùng cao, núi đá. Huyện phối hợp với Công ty cổ phần giống cây trồng Cao Bằng ký hợp đồng cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho bà con, tổ chức cung ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ thâm canh quy mô lớn, xây dựng cơ sở sơ chế nông sản tại xã Vân An; vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng lạc để mở rộng vùng trồng lạc lên hơn 600 ha trong các vụ sau. Cây thuốc lá nguyên liệu được tập trung phát triển ở một số xã gần nguồn nước như: Phù Ngọc, Đào Ngạn, Nà Sác... với tổng diện tích khoảng 500 ha. Đối với việc phát triển đàn bò, ngoài 4 xã được hưởng Dự án phát triển đàn bò của tỉnh, huyện chủ động nhân rộng đàn bò ở tất cả các xã còn lại thông qua việc hỗ trợ người dân vay vốn chăn nuôi từ các nguồn: xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của các tổ chức đoàn thể...

Không trông chờ vào các dự án từ tỉnh cấp xuống, Hà Quảng mạnh dạn giúp bà con giống, tận dụng các vùng nương rẫy, đất trống mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi lên hơn 200 ha, bình tuyển đàn bò giống tốt để nhân đàn, xây dựng ở mỗi xã ít nhất 1 mô hình nuôi bò nhốt, chăn nuôi bán công nghiệp...

Ông Triệu Đình Lê - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện hệ số sử dụng đất ở Hà Quảng mới chỉ ở mức 1,17 lần, tốc độ tăng đàn bò khoảng 5% đến 6%/năm, thấp hơn so với mức trung bình chung của toàn tỉnh. Do vậy, việc tập trung phát triển cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi nhằm đảm bảo mục tiêu nâng hệ số sử dụng đất lên 1,7 lần, nâng thu nhập từ 13 triệu đồng/ha hiện nay lên hơn 20 triệu đồng trong các năm sau, giảm số hộ nghèo từ 3% đến 4% mỗi năm.../.