00:00 Số lượt truy cập: 2638348

Cây "đủ ăn" ở Thanh Hà 

Được đăng : 03/11/2016
Đó là tên mà bà con nông dân ở các xã Liên Mạc, Thanh Xuân, Thanh Xá, Thanh Thủy... huyện Thanh Hà (Hải Dương) dùng để gọi cây gấc. Chưa thể làm giàu được nhưng mà dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn một số cây khác, nhất là so với lúa thì còn hơn đến ba bốn lần.








Từ một loại cây chẳng có tác dụng gì ngoài việc năm thì mười họa dùng để thổi xôi giá rẻ đến mức xin nhau cũng được mươi quả, cây gấc đã 'lên ngôi' ở Thanh Hà từ ba năm nay nhờ có đầu ra, có giá ổn định 3.000 đ/kg (loại 1), thế là người dân yên tâm trồng. Đến thôn Văn Mạc (xã Liên Mạc) thấy bờ ao, sân, vườn... và bất cứ một mẩu đất thừa nào của mọi gia đình đều bị gấc leo kín. Ngay cả không gian của những ngõ đi giữa các nhà giờ gấc cũng phủ xanh um, tua tủa những quả đâm xuống. Gần như cả làng Văn Mạc trồng gấc. Số gia đình trồng từ 100-200 gốc gấc khá nhiều. Giống gấc mà dân Thanh Hà trồng đều là gấc Diễn (đã được chủ đầu tư trình diễn, có năng suất cao). Năm 2002 cụ Mạc Văn Vang trồng 100 gốc gấc, đến nay số gốc đã phát triển thành 300. Cây gấc vứt đâu cũng sống, chỉ một vạt đất chừng nửa thước vuông là có thể dặm được một gốc rồi, lại ít sâu bệnh, chi phí cho một gốc gấc không đáng kể, mỗi năm thu một lứa. Thu quả xong, gấc tàn, cắt hết dây đi chỉ để lại gốc, sang năm gốc lại mọc mầm. Tuổi thọ của một gốc gấc từ 20 đến 30 năm. Ngoài việc bắc giàn ở sân, ao, ngõ cho gấc leo, các gia đình đều cho gấc leo lên vải hoặc bất cứ một thứ cây thân gỗ nào. Khi cây gấc tàn cũng là lúc cây vải ra hoa nên không ảnh hưởng gì.

Thanh Hà là đất vải, nhưng mấy năm nay hiệu quả kinh tế từ vải không cao do giá rẻ, năng suất thấp... Cụ Vang cho biết, một mẫu rưỡi vườn (5.400 m2) của cụ trồng được 90 cây vải. Năm nay mất trắng không được quả nào. Năm 2005 thu bình quân 50.000 đ/cây, tổng cộng được 4,5 triệu trong khi 300 gốc gấc trồng xen vải thu được 40 triệu. Mỗi gốc gấc cho leo lên vải thu được 1 tạ quả, bán bình quân 250.000đ. Cây gấc đã vượt xa cây vải ở chính đất vải, trở thành nguồn thu nhập chính của các chủ vườn. Mùa thu gấc, các đại lý đến tận nhà cân không phải mang đi xa. Một số chủ hộ khác đang chuẩn bị đưa gấc ra đồng. Theo tính toán của họ, một sào gấc trồng ở ruộng chỉ mất 100 ngàn đồng mua dây thép, một trăm ngàn đồng mua cọc tre làm dàn nhưng có thể sử dụng được ba năm. Một sào lúa một năm được 900 ngàn đồng, trừ chi phí đi chỉ còn một nửa. Một sào gấc trồng 50 gốc, năm đầu đã có thể thu 2 triệu rồi, trừ chi phí còn được 1,5- 1,7 triệu, từ năm thứ hai trở đi sẽ còn thu cao hơn. Cây gấc rất hôi, trâu bò không ăn nên không mất công trông giữ... Từ Thanh Hà, cây gấc đang lan dần sang các huyện khác, thậm chí cả tỉnh khác. Cụ Vang kể, rất nhiều người từ Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình... đã tìm đến gặp cụ để tìm hiểu cách kỹ thuật trồng gấc.

Nếu đầu ra và giá gấc cứ ổn định như thế này, thì chỉ vài năm nữa không ít cánh đồng lúa của Hải Dương sẽ trở thành cánh đồng gấc.