00:00 Số lượt truy cập: 2661910

Cây sơn Tam Nông Phú Thọ: Cây xoá đói giảm nghèo 

Được đăng : 03/11/2016
Kể từ bao đời nay cây sơn được xem là cây gắn bó với rất nhiều người dân Tam Nông – Phú Thọ. Đã có lúc cây sơn được xem là công cụ để xoá đói giảm nghèo. Hiện nay, huyện Tam Nông - Phú Thọ có 13 trong số 20 xã có trồng cây sơn với tổng diện tích là 402, 99 ha.

Ông Nguyễn Minh Sơn, khu 5, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông dẫn chúng tôi lên vạt đồi xanh mướt cho biết: “Cây sơn cho đều sản phẩm quanh năm, sản lượng dao động từ 1,8 kg tới 2,2kg cho mỗi lần thu hoạch với mức giá tại vườn là khoảng 50 đến 60.000đ/kg. Giá sơn có thể dao động nhưng số tiền 1kg sơn luôn tương ứng với 15- 20kg gạo”.

Nhờ trồng sơn gia đình ông Sơn và rất nhiều hộ trong xã Thọ Văn từ chỗ thiếu ăn đến nay đã sắm được đầy đủ vật dụng trong nhà như ti vi, xe máy, đời sống được cải thiện rõ rệt. Xã Thọ Văn giờ có tới 99% số hộ trong xã là trồng cây sơn. Gia đình ông Sơn đầu tiên trồng môt nương khoảng 500 gốc nhưng sau đó thấy làm như thế chỉ đủ ăn mà thôi! Bước sang năm 2003, gia đình mạnh dạn vay vốn của ngân hàng trồng thêm hơn ba ngàn gốc cây sơn nữa. Hiện nay gia đình ông Sơn có 5 nương sơn với hơn 4000 gốc, trong đó sơn cho nhựa khoảng một nửa. Mỗi ngày gia đình ông Sơn thu hoạch ở một nương được 1,5 Kg tới 1,8 kg sơn. Số vốn 12 triệu vay ngân hàng đã trả hết, giờ đây số tiền thu được từ bán nhựa sơn đã được đầu tư vào chăn nuôi lợn, gia cầm và cá.

Cây sơn dễ trồng chỉ bón tro và nước giải, ít sâu bệnh. Ông Sơn là một trong số ít người trong xã Thọ Văn sớm tìm tòi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây sơn để tăng sản lượng cây trồng. Đến nay ông đã hướng dẫn cho tất cả gần 20 hộ gia đình trong xã bón đạm, NPK và phân chuồng để tăng lượng nhựa của cây sơn, đồng thời để cây to có độ bền hơn. Ông Đinh Văn Trương ở Xã Thọ Văn – Tam Nông cho biết: “Trước kia tôi chỉ đi mua nhựa nhưng giờ đây nhận thấy mình trồng sơn như thế này không những có thu nhập mà quan trọng là mang lại màu xanh cho rừng”. Cũng theo ông Trương, ông đã phải học rất nhiều trong khâu trồng và cất nhựa từ ông Nguyễn Minh Sơn rất nhiều. Ngay cả khi cây sơn cho nhựa cũng không phải dễ thu hoạch. Khi chích thân cây để lấy nhựa phải hết sức khéo léo tạo ra một rảnh nhỏ có độ vát sâu vừa phải để nhựa sơn khỏi trào ra thân cây.

Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tam Nông: Ở Việt Nam cây sơn được trồng tại các tỉnh: Hà Tây, Yên Bái, Tuyên Quang, Hoà Bình, Hà Giang...nhưng tập trung nhiều nhất là ở Phú Thọ (Vĩnh Phú). Thời kỳ 1939-1940 sơn được phát triển mạnh nhất là ở Phú Thọ, từ 3,424 ha(1939) lên tới 4.400ha (1943), tập trung chủ yếu ở huyện Tam Nông, Thanh Thuỷ. Về sản lượng nhựa sơn những năm đó đạt trên dưới 1.500 tấn/ha (1kg sơn= 15kg gạo). Sau năm 1945 nghề trồng sơn sa sút nhanh chóng vì không xuất khẩu được. Những năm kháng chiến chống Pháp, Việt Bắc bị bao vây, đồi sơn biến thành đồi sắn. Đến năm 1951, cây sơn dần được phục hồi ở Phú Thọ nhưng chỉ bằng 50% diện tích cũ. Theo tài liệu của Uỷ ban hành chính tỉnh Phú Thọ, 1969 được xem là năm đạt sản lượng sơn cao nhất 600 tấn. Nhưng đến giai đoạn 1981 – 1980 diện tích cây sơn giảm sút mạnh và năng suất đạt trung bình 150 tấn/năm.

Cách đây khoảng 20 năm, để khôi phục nghề trồng sơn cổ truyền đang có nguy cơ lụi ở Phú Thọ, Ty Nông nghiệp Vĩnh Phú đã dự thảo “Đề án sản xuất sơn”.

Thời kỳ 1989- 1995 các mặt hàng đồ sơn mài, đồ gỗ gia dụng không xuất kẩu được sang thị trường Đông Âu, nhưng thị trường xuất khẩu nhựa sơn sang Trung Quốc (tuy mới chỉ là con đường tiểu ngạch) đã giúp tiêu thụ phần lớn sản lượng nhựa sản xuất ra. Cuối năm 2003, UBND huyện đã lập dự án đầu tư phát triển cây sơn nhựa huyện Tam Nông giai đoạn 2004 – 2006 và định hướng 2010. Giữa năm 2004, UBNND tỉnh Phú Thọ ra quyết định phê duyệt đề tài “Điều tra, nghiên cứu biện pháp tuyển chọn, phục tráng và quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh cây sơn đỏ tại huyện Tam Nông”.

Trồng sơn ở Tam Nông cái lợi thì đã nhìn thấy duy chỉ có điều để đưa sơn Tam Nông đi xa thì còn thiếu nhiều. Hiện nay nhựa sơn Tam Nông mới chỉ được bán cho các đầu nậu tại vườn. Theo một cán bộ huyện Tam Nông Phú Thọ, giá nhựa sơn Tam Nông bán sang Trung Quốc, Nhật Bản cao hơn rất nhiều. Để giúp bà con sớm tiếp cận với những thị trường lớn UBND huyện Tam Nông đang trình dự án đầu tư phát triển cây sơn đến năm 2010. Nếu được phê duyệt thì đây có lẽ là tin vui đến với bà con huyện Tam Nông nối chung và người trồng sơn Phú Thọ nói chung.