00:00 Số lượt truy cập: 2668330

Chủ động diệt chuột, bảo vệ lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Hiện nay, các trà lúa xuân đang sinh trưởng ở thời kỳ lúa đứng cái làm đòng. Thời kỳ này, chuột phá hoại liên tục, bởi chúng rất thích gặm những ống giòn mới được hình thành trong thân cây.

Hiện nay, các trà lúa xuân đang sinh trưởng ở thời kỳ lúa đứng cái làm đòng. Thời kỳ này, chuột phá hoại liên tục, bởi chúng rất thích gặm những ống giòn mới được hình thành trong thân cây. Hơn nữa, từ thân, đòng đến bông lúa, đều có hương vị ngon ngọt hợp khẩu vị của chúng.

Nhiều nơi diệt chuột có phần cục bộ, đối phó, theo kiểu mạnh nhà nào nhà nấy làm… khiến việc diệt chuột gặp khó khăn. Hậu quả, diện tích lúa bị chuột phá hoại không ngừng tăng.

Diệt chuột đồng đại trà

Trong ngày, không phải lúc nào chuột cũng ra khỏi hang để kiếm thức ăn, gặm nhấm mài răng. Chúng thường ra khỏi hang trong 2 quãng thời gian: Từ 7 đến 8 giờ và từ 20 đến 21 giờ. Thời gian đặt bẫy, cạm hiệu quả nhất là trước khi chuột đi kiếm ăn. Chuột phá hoại mùa màng từ khi bắt đầu gieo mạ. Đến thời kỳ lúa đẻ nhánh, thân cây dai nên ít bị chuột phá. Từ thời kỳ lúa đứng cái đến khi thu hoạch, chuột phá hoại liên tục.

Giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng, chuột vừa ăn mồi, vừa mài răng, chỉ thích gặm thân cây lúa nên đánh bằng mồi bả ít hiệu quả. Lúc này, đánh bằng bẫy bán nguyệt đặt trong ruộng là hiệu quả nhất. Theo kinh nghiệm, nên đặt bẫy nằm ngang đường đi của chuột khiến chúng dừng lại quan sát rồi ăn mồi, dính bẫy. Nếu đặt dọc, chuột thấy chướng ngại vật thường đi tránh sang bên cạnh. Chuột có thói quen vừa ăn, vừa mài răng trong 10 ngày liên tục, sau đó, chúng vào hang nghỉ ngơi một khoảng thời gian nhất định. Do vậy, nên đặt bẫy trong 10 ngày. Đến khi thấy dấu chân chuột xuất hiện trở lại thì đặt bẫy tiếp.

Diệt chuột “thành tinh”

Những con chuột sống lâu năm rất tinh ranh trong việc tìm kiếm thức ăn cũng như “đối phó” với thiên địch tự nhiên như rắn, cú mèo, diều hâu…, động vật săn chuột như chó, mèo hay cạm, bẫy, mồi bả của con người. Rất khó để bắt hoặc diệt những con chuột “thành tinh” này. HTX Nông nghiệp Đá Bạc (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên) có một cách làm hay rất hiệu quả trong việc diệt chuột “thành tinh”:

Đầu tiên, mọi người giữ nguyên cấu tạo của bẫy bán nguyệt, cải tiến phần bàn đặt mồi, thay lò xo cũ bằng loại cứng hơn, thay “nẫy” bằng mảnh gỗ mỏng cỡ 2 đầu ngón tay để đặt mồi lên. Lấy bùn thật dính, phết 1 lớp mỏng lên tấm gỗ ở bẫy cải tiến, sau đó ấn từng hạt thóc mầm ngập nửa thân trong bùn. Lúc này, dù có đổ nước vào, hạt thóc vẫn bám dính vào tấm gỗ như “tắc kè bám đá”. Khi đem đi đặt bẫy, chuột ăn mồi buộc phải dùng một chân ấn xuống mảnh gỗ mới lấy được hạt thóc lên. Lập tức, “nẫy” nẩy lên, vòng cạm sập mạnh đè chặt cổ con chuột. Để phòng con chuột quá to, có thể nhấc cả bẫy lên, người ta đặt thêm xung quanh bẫy chính vài bẫy phụ nữa.

Nhờ có bẫy chuột cải tiến này, bà con xã Gia Minh đã bắt được rất nhiều chuột, đặc biệt là những con chuột “thành tinh”, bảo vệ mùa màng.