Những cánh đồng lúa chết khô vì không có nước ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: K.V)

Đồng bằng sông Cửu Long có trên 3,8 triệu ha đất nông nghiệp, diện tích canh tác lúa từ 1,6 đến 1,8 triệu ha; là vùng sản xuất nông nghiệp có lợi thế so sánh tốt nhất ở Việt Nam, với các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản nước ngọt, nước mặn. Dù diện tích canh tác nông nghiệp chỉ chiếm gần 30% diện tích cả nước, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu “tác động kép” của biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển thượng nguồn. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, nắng nóng, thủy triều cao, xâm nhập mặn… diễn ra thường xuyên hơn, cùng với việc các chu kỳ khí hậu El Nino và La Nina thay đổi kéo dài bất thường, gây nên những xáo trộn đối với thời tiết, môi trường và tài nguyên tự nhiên tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển thượng nguồn sông Mê Kông thiếu sự liên kết và bền vững (đặc biệt là việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính) cũng gây ra những nguy cơ về thay đổi chế độ thủy văn trên dòng sông Mê Kông, thiếu nước về mùa khô, giảm lượng phù sa, bùn cát và nguồn cá tự nhiên, cũng như làm tăng cường độ thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Mùa khô năm 2016, xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km, hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều bị ảnh hưởng, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng, tổng diện tích cây trồng thiệt hại là hơn 200.000 ha.Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Đông-Xuân 2015 - 2016, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 1,5 triệu ha. Trong đó hơn 970.000 ha lúa thuộc 8 tỉnh ven biển, chiếm hơn 62%, thì có đến 340.000 ha bị hạn, mặn và hơn 104.000 ha bị ảnh hưởng nặng. Mặc dù hiện đang là mùa mưa, tuy nhiên do ảnh hưởng của nhiễm mặn trước đó, nên nhiều diện tích cây trồng vẫn bị ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển, thậm chí nhiều loại cây ăn trái năng suất rất thấp, hoặc mất trắng. Tại các vùng nhiễm mặn nặng như Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại (Bến Tre).v.v... những vườn sầu riêng, mãng cầu, vú sữa, sả… bị giảm năng suất trông thấy.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân bố trí thời vụ sản xuất và xuống giống của các vụ Hè - Thu 2016 và vụ mùa 2016 hợp lý, tránh hạn, mặn. Do thời vụ lúa Hè - Thu 2016 tập trung vào tháng 4, tháng 5, điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, ngoài các giống lúa thích ứng với điều kiện thâm canh, chúng ta cũng đã có các bộ giống lúa thích ứng với điều kiện úng ngập, đó là bộ giống chịu úng như U17, U20, U21 của Viện Cây lương thực, cây thực phẩm; các giống chịu mặn như M6, bàu tép; các giống chịu phèn như tép lai; các giống chịu hạn CH2, CH3, CH5, CH133 của Viện Cây lương thực, cây thực phẩm và các giống thuộc sê-ri LC của Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam và Viện Bảo vệ thực vật... mặc dù các giống này chưa nhiều nhưng sẽ là tiền đề để các nhà chọn giống tiếp tục nghiên cứu, lai tạo ra những giống thích ứng với các điều kiện của biến đổi khí hậu như giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập lụt.

Cùng với các giải pháp và công nghệ canh tác ở vùng khô hạn và sa mạc hóa, các địa phương cũng đã đưa vào trồng những cây giống khỏe, chịu khô hạn như điều, ca cao, ôliu...; các cây nông nghiệp ngắn ngày như hành tím, khoai lang, sắn, đỗ các loại, mía...; các cây ăn quả đan xen như thanh long, xoài, na và những loại như rau, ớt...có khả năng chịu hạn tốt.

Các nhà khoa học cho rằng,  tại vùng ven biển nhiễm mặn, người dân nên chuyển từ chuyên trồng lúa sang mô hình canh tác bền vững như quy trình lúa - tôm, tức là trồng vụ lúa khi mùa mưa bắt đầu, đến khi mưa hết thì lúa cũng thu hoạch xong. Tiếp đó, nông dân cho nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, cua… trên thực tế, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã áp phương pháp này và đã cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ 4 đến 5 lần trồng lúa.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Cục Trồng trọt đã đưa ra quy trình hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2016. Cùng với đó, căn cứ vào tình hình xâm nhập mặn, Cục Trồng trọt cũng đang xây dựng một gói kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để khu vực này có thể thích ứng với biến đổi khí hậu cho những năm tiếp theo. Sau khi Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam xây dựng được bản đồ xâm nhập mặn, trên cơ sở đó, Cục Trồng trọt sẽ có quy hoạch, bố trí những cây trồng phù hợp. Nước biển dâng tới đâu, xâm nhập mặn tới đâu sẽ có những kịch bản đến đó.

Ông Ma Quang Trung cũng cho biết, cây lúa vẫn là cây trồng thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long, do vậy trọng tâm vẫn phải tập trung vào nghiên cứu các giống lúa chịu mặn cao hơn. Cục Trồng trọt đang kết hợp với các Viện, Trung tâm nghiên cứu để đưa ra các giống lúa chịu mặn hơn. Với các loại cây dài ngày cũng phải tìm những loại cây trồng phù hợp. Chính vì vậy, những khu vực bị xâm nhập mặn thường xuyên, không giống lúa nào chịu được sẽ quy hoạch nuôi tôm hoặc một vụ tôm với một vụ lúa… Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đưa ra các giải pháp kỹ thuật để hạn chế hạn mặn xâm nhập đối với cây trồng như ủ gốc giữ ẩm, cắt tỉa cành để khỏi thoát hơi nước…

Những giống cây trồng chịu khô hạn đã được đưa vào sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: K.V)

Ngành Nông nghiệp cũng đã đưa ra giải pháp cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đó là, thay đổi cơ cấu giống và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, ngoài việc ưu tiên cho sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý làm sao cho phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn, kết hợp với các biện pháp canh tác, phân bón, cung cấp dinh dưỡng cho lúa. Đồng thời, phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa bị hạn mặn, trồng lúa kém hiệu quả, sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu hạn mặn tốt, đồng thời điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2050, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục nghiên cứu sử dụng hợp lý, hiệu quả đất trồng lúa, tiến tới sản xuất lúa có chất lượng và giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu thích ứng biến đổi khí hậu. Các mô hình tổng hợp, mô hình liên kết chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản, nông nghiệp ven đô; nông lâm kết hợp, trồng trọt và du lịch sinh thái thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sản xuất đã được ứng dụng. Đặc biệt, việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn, ngập lụt và nghiên cứu bố trí lại cơ cấu và hệ thống cây trồng phù hợp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường đất, nước, không khí và kiểm soát rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu từng bước được thực hiện./..

K.V