00:00 Số lượt truy cập: 2662989

Chuyển giao công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá hồng Mỹ 

Được đăng : 03/11/2016
Cá hồng Mỹ có giá trị kinh tế cao, được du nhập vào Việt Nam từ năm 1999 nuôi phổ biến tại các tỉnh phía Bắc. Trong khi đó các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ - nơi có tiềm năng to lớn về nuôi trồng thủy sản thì loài cá này lại chưa được nhiều người nuôi quan tâm. Xuất phát từ thực tế đó, Thạc sỹ Ngô Văn Mạnh – Trường Đại học Nha Trang đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá hồng Mỹ” nhằm cung cấp thêm đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế tại Khánh Hòa.

Ảnh: Trọng Thủy

Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu sản xuất giống cá hồng Mỹ của các tỉnh phía Bắc, đề tài xây dựng mô hình mẫu về sản xuất giống nhân tạo cá hồng Mỹ phù hợp với điều kiện Khánh Hòa. Quy trình công nghệ sản xuất giống cá hồng Mỹ phải đảm bảo các tiêu chí như: tỷ lệ sống của cá bố mẹ, tỷ lệ trứng thụ tinh và ấp nở đạt trên 80%, tỷ lệ sống của cá hương từ 10 - 12%, tỷ lệ sống của cá giống đạt từ 60 - 70%. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá hồng Mỹ cho các cơ sở sản xuất giống tại Khánh Hòa, đào tạo 6 kỹ thuật viên và biên soạn Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cá hồng Mỹ.

Thạc sỹ Ngô Văn Mạnh - Chủ nhiệm Đề tài cho biết cá hồng Mỹ là loài có giá trị kinh tế cao, ưu điểm của nó là thích hợp với nhiều điều kiện nuôi khác nhau, nước lợ, nước mặn, nuôi trong lồng hay trong ao đều được. Khi nuôi đạt năng suất rất cao vì trong quá trình nuôi ít hao hụt. Bên cạnh đó, cá hồng Mỹ còn sử dụng rất tốt thức ăn công nghiệp, đây cũng là một trong những chủ trương của Bộ Nông nghiệp đề ra nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường do người nuôi sử dụng quá nhiều thức ăn tươi sống.

Theo nhóm nghiên cứu, lợi thế của loài cá này chính là có thể nuôi luân canh, kết hợp với một số đối tượng nuôi khác như cá bớp, cá chim vây vàng. Ngoài ra, cá hồng Mỹ có khả năng sinh sản vào mùa mưa ở khu vực Nam Trung Bộ, vì thế rất thuận lợi để cung cấp giống cho người nuôi vào đầu năm sau. Khảo sát thị trường tại khu vực phía Bắc, giá trị kinh tế của cá hồng Mỹ vào khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg.

Hiện tại, đề tài đang triển khai nội dung xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn lý thuyết thực hành tại cơ sở nuôi của trường Đại học Nha Trang. Qua đánh giá bước đầu, nhóm thực hiện đã nuôi thành thục được 84 cá bố mẹ, trọng lượng trung bình 3,5kg - 4kg/con và đã cho sinh sản thành công. Số lượng cá hương kích cỡ 1,2 - 2cm đạt 80.000 con, và chuyển sang giai đoạn nuôi ương cá hương lên cá giống.

Thạc sỹ Lê Thị Diệp Thảo – Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ Khánh Hòa đánh giá đến thời điểm kiểm tra thì đề tài bám sát tiến độ, xây dựng gần như hoàn chỉnh mô hình, để sắp tới chuyển qua tập huấn cho người dân. Khoảng 10 đơn vị sản xuất cá giống trên địa bàn tỉnh sẽ được chọn để học kỹ thuật ấp nở, ương nuôi cá sau đó về triển khai tại các cơ sở sản xuất.

Mục tiêu của đề tài sẽ cung cấp 60.000 con cá giống, kích cỡ từ 6-7cm cho các cơ sở tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu sẽ điều chỉnh kỹ thuật sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại mỗi cơ sở, cũng như điều kiện khí hậu tại Khánh Hòa. Thành công của đề tài sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn giống thủy sản cho người dân địa phương, đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cũng như khai thác hết lợi thế về diện tích mặt nước mặn, nước lợ của tỉnh Khánh Hòa./.

Thu Hoài