00:00 Số lượt truy cập: 2668812

Công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh Fitohoocmon: Khẳng định một triển vọng cho ngành mía đường 

Được đăng : 03/11/2016
Với tổng sản lượng mía hàng năm lên tới 11,5 triệu tấn mía nguyên liệu, 37 nhà máy chế biến đường sẽ sản sinh ra khoảng 3,5 triệu tấn phụ phẩm, phế thải. Đó sẽ là nguồn ô nhiễm rất nghiêm trọng nếu không giải quyết triệt để.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Việt Nam đã làm được hơn thế khi tận dụng nguồn phế thải đó làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ nông nghiệp, mà trực tiếp là cho vùng nguyên liệu của các nhà máy đường. Với đóng góp này, họ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho những công trình đoạt Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam 2006 (VIFOTEC).

Theo tính toán của các nhà khoa học, việc chế biến 10 triệu tấn mía để làm đường sinh ra một lượng phế thải khổng lồ: 2,5 triệu tấn bã mía. Trước đây 80% lượng bã mía này được dùng để đốt lò hơi trong các nhà máy sản xuất đường, sinh ra 50.000 tấn tro. Tuy là phế thải nhưng trong tro và bã bùn lại có nhiều chất hữu cơ. Các chất này sau sẽ là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước rất nặng.

Trước thực tế đó, Ts. Lê Văn Tri, hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Fitohoocmon - người có gần 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất các loại phân bón hữu cơ vi sinh - phối hợp cùng các kỹ sư Trần Thị Minh, Đặng Quang Huy và Lê Thị Kim Anh (các Phó giám đốc công ty) tập trung đầu tư nghiên cứu và ứng dụng, triển khai quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm, phế thải mía đường. Nhóm nghiên cứu đã phân loại, định tên được những vi sinh vật cố định nitơ cộng sinh ở cây mía, xác định được loài Paenibaccillus polymyxa - nhóm vi sinh vật có ích cho cây mía nhờ phương pháp phân tích cấu trúc gene.

Đặc biệt, lần đầu tiên ở Việt nam, các nhà khoa học đã đưa vào quy trình sản xuất axit humic và các dạng muối humat tan phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ trên quy mô công nghiệp. Quy trình này được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 4887. Ngoài dây chuyền sản xuất đã nghiên cứu thành công, nhóm nghiên cứu cũng hoàn thiện công nghệ sản xuất một số chế phẩm vi sinh vật như: cố định nitơ, phân giải xenluloza từ các nguồn hữu cơ khác nhau. Các giải pháp này cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng sáng chế số 142, 148 và giải pháp hữu ích số 0201. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh chuyên dùng cho cấy mía dựa trên những nghiên cứu cơ bản và tổng hợp: dinh dưỡng đất trồng mía, vi sinh vật cho đất trồng mía, nhu cầu dinh dưỡng của cây mía đối với từng vùng nguyên liệu. Công nghệ này được Bộ KH&CN xếp vào danh mục dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005 (KC 04 DA 26). Nhờ dự án này, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện đầy đủ những nghiên cứu cơ bản đối với từng nhà máy chế biến đường như: Lam Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La, Biên Hòa v.v... giúp tăng năng suất mía 10-15%, trữ lượng đường tăng 0,5-1,5%.

15 hợp đồng với giá trị từ 50-100 tỷ đồng đã được ký kết. Sau khi thực hiện theo công nghệ mới, doanh thu sản xuất phân bón của các nhà máy đường tăng gần 1.000 tỷ đồng/năm, đem lại lợi nhuận cho người nông dân hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Quan trọng hơn, công nghệ này đã xử lý toàn bộ phế thải và phụ phẩm mía đường của các nhà máy đường, phục vụ thâm canh phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo phát triển bền vững cho các nhà máy đường.