00:00 Số lượt truy cập: 2662505

Cứu nghề trồng dâu 

Được đăng : 03/11/2016

Cả tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ còn khoảng 5.000ha dâu tằm. So với hai năm trước, diện tích này đã giảm khoảng 16%. Trong đó, diện tích dâu tằm ở huyện có diện tích dâu tằm lớn nhất tỉnh trước đây là Lâm Hà đã giảm từ 2.700ha năm 2007 xuống còn 1.200ha hiện nay.


Những con số vừa nêu trên cho thấy ngành kinh tế mũi nhọn dâu tằm của tỉnh Lâm Đồng một thời, hiện có dấu hiệu suy giảm đáng kể. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bước thụt lùi của ngành dâu tằm tơ trong những năm qua, suy cho cùng, là điều tất yếu của quy luật thị trường thế giới.

Cũng theo nhận định của các nhà kinh tế, thị trường sản phẩm tơ tằm trong vài năm tới sẽ dần phục hồi trở lại; và đến lúc đó, rất có thể VN sẽ không có đủ lượng hàng hóa từ sản phẩm tơ tằm cung cấp cho thị trường, đặc biệt là các thị trường truyền thống của VN xưa nay.

Bởi vậy, ngay từ bây giờ, Lâm Đồng - địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển cao của cả nước - cần có những chuẩn bị cần thiết nhằm khôi phục nghề này với cái nhìn lâu dài, nhằm mang lại lợi ích cho địa phương và quốc gia.

Trên cơ sở đó, dự án "Quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu dâu tằm" của tỉnh Lâm Đồng đã được ra đời. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ có tổng diện tích cây dâu là 8.500ha (gấp đôi so với hiện nay), năng suất lá đạt 300 tạ/ha, diện tích dâu giống mới chiếm 80% tổng diện tích trồng dâu. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ xây dựng thêm 80 nhà nuôi tằm con để chuyển giao khoa học kỹ thuật và giống tằm cho người nông dân. Tổng số tiền để triển khai dự án này dự kiến lên đến 104 tỉ đồng.

Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, quy hoạch trên đây là quy hoạch khá hợp lý - trên cơ sở nghiên cứu khá kỹ những quy luật của thị trường tơ tằm VN và thế giới. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tính tự phát của người nông dân của địa phương này còn khá lớn.

Do vậy, các nhà quản lý lo ngại rằng, một khi nghề trồng dâu nuôi tằm trở lại "lên ngôi" thì hàng loạt diện tích trồng dâu ngoài quy hoạch sẽ được mở rộng một cách không cần thiết. Và vì thế, quy hoạch sẽ bị phá vỡ. Lúc này, sự lo ngại cho một tương lai của cây dâu tằm "khủng hoảng" thừa như thế thiết nghĩ không thừa!