00:00 Số lượt truy cập: 2638194

ĐBSCL: Cây dừa, cây của chuyển dịch 

Được đăng : 03/11/2016
Có một nghịch lý hiện nay là trong khi giá dừa trái liên tục tăng lên và ngày càng khan hiếm thì diện tích, năng suất và sản lượng dừa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm đáng kể...

Những năm gần đây, thị trường dừa khô liên tục ốn định ở mức giá cao từ 20.000 đồng đến 22.000 đồng/chục (12 trái), có lúc lên 25.000 đồng/chục và ngày càng trở nên khan hiếm. Nếu như trước kia người trồng phải thu gom đem đến chợ hoặc các chủ vựa bán thì nay các thương lái đến tận vườn thu gom, người trồng chỉ việc đếm và tính tiền.


Có một nghịch lý hiện nay là trong khi giá dừa trái liên tục tăng lên và ngày càng khan hiếm thì diện tích, năng suất và sản lượng lại giảm đáng kể. Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân là do bị nạn dịch bọ cánh cứng hoành hành, số lượng lớn dừa trong tỉnh đã già cỗi (trên 50 tuổi) giảm năng suất...


Ông Hồ Quang Khải, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Bắc (Trà Vinh), cho biết: Hiện tại có nhiều khách hàng tiềm năng tại Nhật, Đức, Australia, Brazil,... Để đáp ứng nhu cầu của phía đối tác mỗi năm công ty cần trên 100 triệu trái dừa nguyên liệu trong khi thị trường chỉ đáp ứng được 60% cho dù hệ thống thu mua của công ty có khắp các tỉnh trong khu vực.


Còn tại Công ty Trúc Giang (Bến Tre), chỉ tính riêng mặt hàng cơm dừa nạo sấy, mỗi năm cũng phải tiêu thụ trên 150 triệu trái dừa. Đó là chưa kể hàng chục làng nghề chế biến tơ xơ dừa xuất khẩu ở Trung Nghĩa (Vũng Liêm), Đức Mỹ (Càng Long-Trà Vinh), Tiểu Cần - Trà Vinh,... tiêu thụ hàng trăm triệu trái mỗi năm.


Có thể khẳng định, tương lai phát triển của cây dừa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khá lạc quan, vấn đề hiện nay là làm thế nào khai thác hết tiềm năng vốn có của nó. Nông dân Nam Bộ có truyền thống trồng dừa mỗi khi lên liếp, lập vườn và có xu hướng quay trở lại với cây dừa. Đây là một thuận lợi nhưng rất cần thiết có quy hoạch vùng chuyên canh đi đôi với việc cải tạo giống dừa.


Vấn đề trước mắt là tập trung trị bọ cánh cứng, cải tạo những vườn dừa đã có. Về lâu dài, định hướng liên kết hợp sức giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông sẽ là tiền đề tạo thế cân đối giữa đầu tư tạo vùng nguyên liệu, phát triển cơ sở chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ.


Đã từng có một thời, cây dừa được xem là loại cây công nghiệp "vua" của vùng châu thổ này. Sóng gió thị trường và dịch bệnh đã "truất phế" ngai vị của cây dừa. Giữa lúc này, thời cuộc thị trường đã hé mở nhiều cơ hội phục sinh một thời vàng son đã mất. Sao không thể xem cây dừa là loại cây "vua" trên nền chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở nông thôn?


Giá trị sản phẩm từ cây dừa


* Than hoạt tính: Tẩy màu, khử mùi, lọc chất lỏng, lọc khí, lọc vàng, lọc máu nhằm giảm chất phóng xạ. Giá trị xuất khẩu: 1.000 USD/tấn.


* Cơm dừa nạo sấy: dùng chế biến thực phẩm, có hàm lượng chất béo cao, không có chứa hàm lượng Cholesterol (chất gây chứng béo phì và các bệnh về tim mạch). Giá trị xuất khẩu: 1.000 USD/tấn.


* Xơ dừa: là nguyên liệu sản xuất các loại niệm ngủ, vật liệu trang trí nội thất thân thiện với môi trường, làm lưới phủ xanh đồi trọc, bảo vệ các công trình công nghiệp dười biển bới độ bền, lâu bị phân huỷ trong môi trường nước nặng, cách âm, cách nhiệt. Giá trị xuất khẩu: 170 - 185 USD/tấn.