00:00 Số lượt truy cập: 2668880

ĐBSCL: Lúa xuống giống tới đâu, rầy nâu tới đó 

Được đăng : 03/11/2016

Dịch rầy nâu đang bùng phát mạnh mẽ tại ĐBSCL với tổng diện tích nhiễm rầy hơn 130.000 ha, nhiều nơi mật số rầy đạt mức kỷ lục, 5.000 - 30.000 con/m². Trong khi hàng trăm ngàn ha lúa hè-thu còn đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh và đồng trổ thì có tới gần 200.000 ha lúa vụ 3 ào ạt xuống giống. Và điều đáng lo ngại đã và đang diễn ra là lúa vụ 3 xuống giống tới đâu thì rầy nâu tấn công tới đó.


Rầy nâu bùng phát dữ dội

Giữa tháng 7, ngay khi thu hoạch lúa hè-thu, nông dân các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long… đã ào ạt xuống giốnag lúa vụ 3, bất chấp khuyến cáo của các nhà khoa học và ngành nông nghiệp địa phương. Khoảng thời gian cắt vụ để tiêu diệt mầm bệnh và “đất” sống của rầy nâu ít nhất là 3 - 4 tuần không được nông dân tuân thủ.

Chính vì thế, rầy nâu nhanh chóng tràn sang phá hại diện tích lúa mới gieo sạ. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) cho biết: Trong vòng 2 tuần qua, diện tích lúa vụ 3 nhiễm rầy (mật số 1.000 - 2.000 con/m²) tăng đột biến hơn 100%, từ 20.500 ha lên hơn 40.000 ha, nhiều nhất là ở Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu... Đáng lo ngại là trong số này có gần 10.000 ha nhiễm rầy mật độ cao, hơn 5.000 - 9.000 con/m². Gần 800 ha lúa vụ 3 bị nhiễm bệnh VL-LXL.

Theo TS Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), hiện nay, tỷ lệ rầy nâu mang virus khá cao, bình quân vùng ĐBSCL là 54% (những địa phương canh tác lúa quanh năm như Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An… tỷ lệ rầy nâu mang virus gần 100%) nên khả năng gây hại rất lớn trên lúa vụ 3 và đe dọa cả vụ đông-xuân tới nếu không có biện pháp phòng trị kịp thời…

“Cắt” lúa vụ 3 không phải dễ

Những năm qua, nhất là khi dịch rầy nâu hoành hành dữ dội, nhiều địa phương ở ĐBSCL rất muốn “cắt” lúa vụ 3 để xả lũ vào đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh và cải tạo đất, chống bạc màu. Nhiều vùng đê bao khép kín ở An Giang, Đồng Tháp từ 8 - 9 năm qua chưa được xả lũ.

Trước đây, nông dân ở An Giang dùng khoảng 400 - 450 kg phân/ha lúa vụ 3, nhưng 1 - 2 vụ gần đây phải dùng tới từ 550 - 650 kg phân/ha. Thực tế này cũng xảy ra ở nhiều nơi, khiến cho thu nhập từ lúa vụ 3 giảm sút. Nhưng thực tế vì giá lúa liên tục ở mức cao, nông dân quanh năm sản xuất lúa chưa quen với cây màu nên mạnh dạn “xé rào” sản xuất lúa vụ 3, nguy hiểm nhất là không theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Tại Hậu Giang, dù ngành nông nghiệp liên tục khuyến cáo, hướng dẫn nông dân chỉ nên xuống giống lúa vụ 3 sau ngày 25-7 nhưng trước đó đã có hơn 15.000 ha lúa xuống giống sớm. Hậu quả là gần 6.000 ha đã nhiễm rầy nâu. Tại Vĩnh Long, rầy nâu cũng tấn công hàng ngàn ha lúa vụ 3 ngay từ giai đoạn mạ.

Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết: Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xuống giống không tuân thủ theo lịch thời vụ. Theo đó, không thực hiện hỗ trợ và buộc phải tiêu hủy, nếu lúa bị nhiễm bệnh VL-LXL đối với những nơi xuống giống không theo lịch của tỉnh. Nghiêm túc kiểm điểm các đơn vị địa phương, cá nhân nếu để nông dân xuống giống ngoài lịch thời vụ và thời gian cách ly giữa vụ hè-thu và vụ 3 không đúng quy định. Ngoài ra, để bảo vệ lúa vụ 3 và đề phòng cho vụ đông-xuân 2007 - 2008, ngành nông nghiệp Hậu Giang cử cán bộ kỹ thuật bám sát những nơi có rầy để trực tiếp hướng dân nông dân phòng trị, tránh nhiễm bệnh VL-LXL.

TS Mai Thành Phụng cho biết, trước tình hình trên, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Bảo vệ thực vật đã cử đoàn công tác đến ĐBSCL để phối hợp với các tỉnh hướng dẫn nông dân phun thuốc diệt rầy, tiêu hủy lúa nhiễm bệnh VL-LXL nặng; đồng thời tăng cường tập huấn cho nông dân các biện pháp xử lý giống, gieo sạ đồng loạt, bón phân, phun thuốc đúng cách để phòng trừ rầy nâu, bệnh VL-LXL hiệu quả.