00:00 Số lượt truy cập: 2667891

ĐBSCL xuất khẩu cá tra đạt giá trị hơn 1,4 tỷ USD 

Được đăng : 03/11/2016

Theo ngành thương mại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong vùng vừa xuất 49.000 tấn cá tra, nâng tổng lượng cá tra xuất khẩu từ đầu năm đến nay lên 487.700 tấn, tăng 28% so cùng kỳ năm 2010; tổng giá trị đạt 1,47 tỷ USD, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước.


Dây chuyền chế biến cá tra của Công ty Bình An. (Nguồn: Duy Khương/TTXVN)

Trong 10 tháng năm 2011, Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa khoảng 5.140ha mặt nước vào nuôi cá tra, sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn, nhiều nhất tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long.

Hiện giá cá tra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ở mức 27.500-28.300 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 10, nhưng nông dân không dám mở rộng diện tích nuôi vì thời gian qua giá thành sản xuất cao, lợi nhuận thấp và họ khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ thiếu cá tra nguyên liệu nhiều hơn. Hiện một số nhà máy chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ hoạt động cầm chừng với công suất 40-50%. Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi cá tại tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” nên năng suất đạt 270-280 tấn/ha.

Các tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình thí điểm thực hiện nuôi trồng thủy sản tốt theo tiêu chuẩn VietGAP đối với cá tra; áp dụng các quy trình tiên tiến như Global GAP, SQF, HACCP trong nuôi và chế biến; xây dựng và hoàn thiện các mô hình quản lý nuôi cá tra cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cá tra trong quá trình nuôi.

Nhằm giúp người nuôi cải thiện tình trạng lãi thấp hoặc bị lỗ trong quá trình nuôi cá tra, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” trong thâm canh cá tra xuất khẩu. Nhờ mật độ thả nuôi phù hợp với tập tính sống nên cá ăn mồi tốt hơn, lớn nhanh hơn, tăng sức đề kháng với bệnh tật, chất lượng thịt tốt hơn.

Bên cạnh đó, do không sử dụng hoặc sử dụng ít thuốc kháng sinh nên môi trường nước cũng như cơ thể cá không có cơ hội sinh sản ra vi khuẩn kháng thuốc, do đó người nuôi không cần tăng liều sử dụng cũng như thay đổi loại kháng sinh khác. Mức độ lưu tồn thuốc kháng sinh trong thịt cá nhờ đó giảm mạnh, thịt cá nguyên liệu sẽ đạt được độ an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ chất lượng nước ao nuôi sạch nên cá đẹp, bán được với giá cao hơn, tăng lợi nhuận do tiết giảm được nhiều khoản chi phí mua cá giống, mua thuốc phòng trị bệnh và thức ăn cho cá.