00:00 Số lượt truy cập: 2637321

Đa dạng hoá cây trồng ở vườn cà phê 

Được đăng : 03/11/2016
Đây là kinh nghiệm sản xuất cà phê của Ấn Độ. Đến đồn điền cà phê ở nước này, nhìn toàn cảnh như một khu rừng lớn với tính đa dạng sinh học cao.





Phía tầng cao là các bụi cây rừng. Tầng giữa là cây tiêu leo trên các cây bóng tầng thấp hơn. Cây che bóng chủ yếu là cây sồi lá bạc, số còn lại là các loại cây rừng. Mật độ cây che bóng khoảng 120-150 cây/ha. Cuối cùng là cà phê. Khu đất thấp gần suối là trồng các cây gia vị. Khoảng 50% số cây che bóng trên vườn cà phê được dùng làm choái cho cây tiêu leo. Có những trụ tiêu leo tới độ cao 10m, cho năng suất 20kg tiêu đen.

Mật độ trồng: 1.800-2.500 cây/ha, tuỳ độ dốc của đất. Đất dốc trồng dày hơn để hạn chế xói mòn đất. Cà phê được hãm ngọn ở độ cao 1,4-1,6m.

Phân bón: Lượng phân/ha/năm: 180:80:180kg (N:P2O3:K2O) cho một tấn cà phê nhân. Đây là lượng phân bón cho khoảng 50-60 trụ tiêu. Số lần bón: 3 lần trong mùa mưa. Kỹ thuật bón: Đào rãnh theo tán lá sâu khoảng 7-10cm, bón phân rồi lấp đất lại. Không bón đón mưa vì gặp mưa lớn sẽ mất dinh dưỡng theo dòng nước nếu đất có độ dốc lớn. Cà phê trồng không phải tưới nước do phân bố ở địa hình cao, có cây che bóng tốt và mùa khô ở đây kéo dài khoảng 4 tháng.

Phòng trừ dịch bệnh: Chỉ chú trọng trừ rỉ sắt định kỳ bằng dung dịch Boócđô 0,5%, phun 2 lần/năm vào tháng 7, 9, 10 hàng năm. Mọt đục quả cũng rất được chú trọng bằng biện pháp vệ sinh đồng ruộng. Sau mỗi mùa vụ, quả rụng trên vườn đều được nhặt sạch.

Thu hoạch: Quản lý đồn điền rất chú trọng đến chất lượng cà phê sau thu hoạch, đặc biệt là nấm mốc. Khuyến cáo là cần phải chú ý ngăn ngừa sự hình thành nấm mốc trong quá trình chế biến, để duy trì chất lượng cà phê vốn có của các vùng sinh thái, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Kỹ thuật thu hái: Thu hái hoàn toàn quả chín (hái chọn). Trong 1 ngày 1 lao động chỉ hái được 50-60kg quả. Bao chứa cà phê phải sạch, không dùng bao phân bón để chứa cà phê. Toàn bộ sản phẩm thu hoạch đều được chế biến trong ngày. Quả khô, quả nổi trên mặt nước đều được lấy ra phơi riêng, quả xanh phơi riêng; không trộn lẫn quả chín quá, quả khô với quả xanh để phơi. Mẻ phơi của ngày nào đều để riêng ngày ấy. Sân phơi được vệ sinh sạch sẽ, không giẫm chân bùn đất vào sân phơi. Chiều tối tất cả cà phê đều được cào thành luống dài và tủ bạt để chống sương mù và mưa bất chợt nhằm ngăn chặn quá trình hình thành nấm mốc. Cà phê khô được bảo quản trong kho sạch và thoáng.

Nhờ tính đa dạng về cây trồng trên vườn cà phê đã dẫn đến tính đa dạng của sản phẩm (tiêu, gia vị khác, gỗ...), nên đồn điền vẫn tồn tại và phát triển tốt.