00:00 Số lượt truy cập: 2668391

Đắc Nông: Nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao 

Được đăng : 03/11/2016

Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện nhiều nội dung công tác quan trọng, đem lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân.


Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 587 lớp tập huấn tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật có 27.803 lượt người tham gia, và phối hợp tổ chức 369 cuộc hội thảo đầu bờ; Hội Nông dân tỉnh trực tiếp đã mở 7 lớp tập huấn lập kế hoạch sản xuất kinh tế hộ cho 350 lượt hội viên nông dân, tổ chức 3 lớp dạy nghề ngắn hạn về bảo vệ thực vật, tin học, chăn nuôi có 91 lượt người tham gia và được cấp chứng chỉ, ngoài ra cung ứng một số giống, cây trồng mới như: Mít, sầu riêng , bơ, cá chình, cá tầm… giúp cho nông dân phát triển sản xuất. Phối hợp lựa chọn hộ 20 hộ tiêu biểu dự hội thảo khoa học về ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật bạc Nano/chitosan tan trong nước (Mifum 0.6DD) cho cây hồ tiêu, cafe, cao su tổ chức tại Tây Nguyên. Phối hợp tuyên truyền vận động hội viên nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh vật xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, cùi và vỏ ngô, thân đậu đỗ cac loại làm phân bón hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng được người nông dân tiếp cận và thực hiện rộng rãi.

Hiện toàn tỉnh đã có 19.120 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao đã hình thành như: Mô hình trồng Măng Tây xanh tại xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức). Mô hình nuôi cá chình tại xã Nam N’jang (huyện Đăk Song). Mô hình cà phê ghép tại xã Đức Minh (huyện Đăk Mil). Mô hình chè tại xã Quảng Khê (Đăk Glong). Mô hình Thanh long ruột đỏ ở xã Đăk We, Đăk R’Lấp và Hợp tác xã Hợp Tiến, Đăk Glong,và nhiều loại cây ăn quả được phát triển mạnh như sầu riêng, cam, quýt, ổi không hạt, măng cụt… được đầu tư trồng thâm canh cho giá trị kinh tế cao. Mô hình sản xuất chanh không hạt ở Đắk R’lấp, có giá trị 100 - 200 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất chanh dây có giá trị sản xuất đạt 300 - 400 triệu đồng/ha. Khoai lang Nhật Bản đã trở thành sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng và được phát triển hàng ngàn ha tại huyện Tuy Đức, Đăk Song, sản xuất 2 vụ/năm, đạt giá trị trên 100 triệu đồng/ha. Tại Đăk Mil, Đăk Glong, TX Gia Nghĩa, Tuy Đức với các mô hình trồng hoa trong nhà có mái che plastic đạt giá trị sản lượng trăm triệu đồng/ha. Thị xã Gia Nghĩa đang đi theo định hướng trong sản xuất hoa và rau. Mô hình trồng sầu riêng của trang trại Gia Trung theo chuẩn VIETGAP, đem lại giá trị sản lượng gấp nhiều lần so với phương thức canh tác khác. Việc sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô đang được hình thành và phát triển như hộ ông Hải ở tổ 3 phường Nghĩa Thành, TX Gia Nghĩa.... bước đầu đã đạt được những kết quả kinh tế cao.

Hai ngành đã phối hợp xây dựng và triển khai nhiệm vụ khoa học: Mô hình trồng cam không hạt tại xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa; Mô hình trồng Lạc TK10 tại Huyện Cư Jut và huyện Đăk Song đã đem lại năng suất cao, hiện nay nhiều hội viên, nông dân đã nhân giống và thay thế được giống lạc địa phương có năng suất thấp; Mô hình tổ hợp tác và chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê bền vững" cho hội viên, nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa 2 huyện Đăk Mil và huyện Đăk R'Lấp có 100 lượt người tham gia. Sau khi tập huấn các học viên sẽ được trang bị những kiến thức về kỹ thuật sản xuất nhân giống cà phê, trồng và chăm sóc, bảo quản cà phê sau thu hoạch; kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm hướng đến canh tác bền vững cây cà phê theo tiêu chuẩn 4C; Những kiến thức về quy trình tổ chức thành lập, quản lý hoạt động Tổ hợp tác và kỹ năng vận động Hội viên nông dân tham gia thành lập Tổ hợp tác; Xây dựng và thành lập mới 26 mô hình kinh tế tập thể về tổ hợp tác và hợp tác xã hoạt động trong nhiều lĩnh vực, một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao điển hình như mô hình ông Phạm Văn Khang xã Đăk BukSo, huyện Tuy Đức với mô khoai lang, nuôi chim cút cho thu nhập 800-900 triệu đồng/năm; Xây dựng dự án chăn nuôi bò sinh sản theo chất lượng cao theo hướng tập trung tại huyện Đăk Song.

Hai ngành đã tăng cường công tác thông tin về khoa học công nghệ, tuyên truyền phổ biến các tiến bộ kỹ thuật nhất là các tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp. Triển khai đề án hỗ trợ máy vi tính và mạng Internet đén 71/71 xã, phường thị trấn trong tỉnh, xây dựng webside, đã giúp người dân tra cứu thông tin về khoa học vè công nghệ được thuận lợi đồng thời góp phần nâng cao dân trí. Phối hợp phát động phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tổ chức có hiệu quả, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân tham gia “Cuộc thi sáng tạo nhà nông” cấp tỉnh và tham gia cấp Trung ương và các hình thức thi đua khác. Hỗ trợ sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất cho hộ ông Ngô Văn Quýnh xã Đăk R'Moan, thị xã Gia Nghĩa đã nghiên cứu, chế tạo xây dựng công trình thủy điện trạm tua bin thủy lực xanh đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng nông dân sáng tạo năm 2013 tại Thủ đô Hà Nội./.