00:00 Số lượt truy cập: 2637337

Đặc điểm sinh học bệnh giun đũa lợn 

Được đăng : 03/11/2016

Nguyên nhân bệnh: Bệnh gây ra do giun đũa Ascaris suum Goeze, 1782, họ Ascarididae, ký sinh ở ruột non của lợn.


* Đặc điểm sinh học

- Hình thái

Giun màu trắng sữa, hình ống, hai đầu hơi nhọn. Đầu giun đũa có 3 môi bao bọc quanh miệng, một môi ở phía lưng và 2 môi ở phía bụng. Trên rìa môi có một hàng răng cưa.

Giun đực dài 10 - 22cm; giun cái dài 24 - 30cm.

Trứng hình ovan, có vỏ dày, hình răng cưa, màu vàng; kích thước: 0,050 - 0,080´ 0,040 - 0,055mm.

- Vòng đời

Vòng đời giun đũa lợn không cần vật chủ trung gian. Giun cái đẻ mỗi ngày 200.000 trứng: Trứng theo phân lợn ra ngoài gặp điều kiện ẩm độ và nhiệt độ thích hợp (nhiệt độ 15 - 300C; ẩm độ 50 - 90%) trong 2 tuần phát dục thành ấu trùng trong trứng. Ấu trùng I qua 1 tuần lột xác thành trứng có ấu trùng gây nhiễm. Trứng này bị lợn nuốt vào ruột non sẽ nở ra ấu trùng. Ấu trùng vào máu di hành lên phổi, gan và các nội quan khác, sau đó trở về ruột non phát triển thành giun trưởng thành. Trứng giun đũa cảm nhiễm có thể sống rất lâu từ 11 tháng đến 5 năm ở môi trường tự nhiên.

Tuổi thọ của giun đũa khoảng 7 - 10 tháng. Hết tuổi thọ giun đũa theo phân lợn ra ngoài.

Số lượng giun có thể từ vài con tới 1.000 giun trên một cơ thể lợn.

* Bệnh lý và lâm sàng

- Bệnh lý

Ấu trùng chui vào thành ruột gây tổn thương mở đường cho vi khuẩn vào cơ thể. Khi ấu trùng giun đũa di hành qua phổi gây tổn thương phế nang làm cho bệnh suyễn lợn càng nặng hơn. Khi ấu trùng theo máu về gan, gây ra lấm tấm xuất huyết, đồng thời gây huỷ hoại tổ chức trên bề mặt, ấu trùng di hành độ 2 - 3 tuần rồi về ruột phát triển thành giun trưởng thành thì tác dụng gây viêm giảm dần. Giun trưởng thành gây viêm niêm mạc ruột. Khi lượng giun lớn sẽ làm tắc ruột và thủng ruột, có khi giun chui vào ống mật gây ra tắc ống dẫn mật dẫn đến hoàng đản. Giun đũa còn tiết độc tố tác hại đến thần kinh trung ương gây trúng độc, con vật có triệu chứng thần kinh như tê liệt chân hoặc hưng phấn.

- Triệu chứng

Bệnh giun đũa thường có triệu chứng rõ rệt và tác hại nhiều ở lợn con từ 1 - 4 tháng tuổi. Giun đũa gây bệnh bằng tác động cơ giới, độc tố tác hại đến cơ thể lợn và chiếm đoạt chất dinh dưỡng của lợn... Triệu chứng chính của bệnh là: viêm ruột; bần huyết và gầy dần; có triệu chứng thần kinh ở lợn con (co giật). Ấu trùng khi đi qua phổi có thể gây tụ huyết hay viêm phổi. Lợn con có thể bị tắc ruột và thủng ruột khi nhiễm giun với cường độ cao.

* Chẩn đoán bệnh

Mổ khám lợn và kiểm tra phân

- Mổ khám lợn tìm ấu trùng ở phổi và gan, tìm giun trưởng thành ở ruột non.

- Kiểm tra phân: bằng phương pháp phù nổi Fulleborn để tìm trứng giun.

Chẩn đoán bằng phương pháp biến thái nội bì

Rửa sạch giun đũa còn sống, nghiền nát hoà với nước cất: cứ 1ml dung dịch thêm 8g men tuyến trùng với 10ml chloroform, điều chỉnh pH = 7,6 - 7,8 cho vào tủ ấm 7 - 12 ngày, giun tan hết thì ly tâm, lấy nước trong cho vào lọ pha với cồn 960tỷ lệ 1: 5, để cho kháng nguyên lắng xuống, lấy kháng nguyên ở đáy cho vào lọ con để tủ ấm. Sau khi khô, bảo quản ở tủ lạnh trên 8 tháng vẫn không ảnh hưởng đến đặc tính kháng nguyên. Khi tiêm pha loãng 1: 200, có thể tiêm nội bì vành ngoài tai hoặc nhỏ vào xoang kết mạc mắt.

Phương pháp chẩn đoán không có phản ứng chéo đối với lợn nhiễm giun tóc, giun kết hạt và giun đầu gai. Sau khi lợn nhiễm giun đũa từ ngày 8 - 11 ngày bắt đầu có phản ứng dương tính. Phản ứng này duy trì được 110 - 140 ngày. Thời gian phản ứng biến thái xuất hiện phù hợp với thời gian kháng thể tập trung trong máu sau khi nhiễm giun và không phụ thuộc vào giun trưởng thành ở ruột./.