00:00 Số lượt truy cập: 2663141

Đắk Lắk: Chỉ có 1 cơ sở ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm an toàn 

Được đăng : 03/11/2016

Theo kết quả kiểm tra tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chỉ có một trong tổng số 42 cơ sở ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm đảm bảo các điều kiện an toàn.


Theo Chi cục Thú y tỉnh Đắk Lắk, các cơ sở ấp nở trứng thuỷ cầm đều nằm ngay trong khuôn viên nhà ở. Đặc biệt một số cơ sở trứng gia cầm được ấp cùng với phòng ở và sinh hoạt với người, nguy cơ nhiễm virus H5N1 khi có dịch là rất lớn. Mặt khác, các cơ sở ấp trứng này hiện nay vẫn hoạt động chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Ông Nguyễn Bá Tưởng, chủ cơ sở ấp vịt thôn 2, xã Ea Hu, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho rằng: “Tôi ở nhà trước còn ấp ở sau nhà, vịt thì nuôi ở dưới hồ cách nhà khoảng chưa đầy một cây số điều kiện trong nhà chưa có để di dời ra được”.


Ông Nguyễn Khắc Chuyên Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay toàn tỉnh chỉ có cơ sở ấp nở thuỷ cầm của gia đình ông Lê Châu Tuấn, phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột là cơ sở ấp nở thuỷ cầm đảm bảo đủ điều kiện an toàn thú y.


Các cơ sở chăn nuôi thuỷ cầm ở Đắk Lắk đều nằm ngay trong khu dân cư hoặc nuôi dọc bờ sông suối, ngay dòng nước chảy, không đảm bảo khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng. Nhiều cơ sở ấp trứng chưa chú trọng xử lý chất thải, rác, vỏ trứng sau khi ấp nở. Một số cơ sở ấp trứng sản xuất con giống nhưng lại không chấp hành tiêm phòng cho đàn vịt giống. Họ cho rằng tiêm phòng sẽ làm cho đàn vịt giảm tỉ lệ đẻ, teo buồng trứng… Trong khi tác hại lớn hơn nhiều khi gia cầm, thuỷ cầm bị bệnh nếu không tiêm phòng lại không được người dân tính tới.


Các cơ sở ấp trứng thuỷ cầm đều có kết hợp nuôi vịt đẻ để phục vụ cho việc ấp trứng vịt lộn và sản xuất con giống. Nhiều chủ cơ sở ấp trứng không thực hiện khai báo với Cơ quan chức năng theo quy định hoặc khai là chỉ ấp trứng lộn nhưng trên thực tế cho thấy ranh giới giữa ấp lộn và con giống rất gần, dụng cụ và phương pháp cho nở cũng rất thủ công đơn giản. Không phải chỉ phía người chăn nuôi thản nhiên với việc không biết cúm gia cầm, mà ngay cả những người có trách nhiệm cũng xem nhẹ vấn đề này. Ông Hồ Hữu Phúc Trưởng ban Thú y xã Ea Hu, huyện Krông Ana nói: “Dịch cúm gia cầm ở đây hiện tại chưa bùng phát mấy, chưa bùng phát lần nào. Do đó, người ta cảm thấy coi thường. Chỉ có thông tin đại chúng họ lên được vài bữa thì dân họ sợ được một hai bữa, hết rồi thì thôi. Vì nó chưa cụ thể mấy nên dân ở đây họ chưa đặt vấn đề cúm gia cầm”.


Điều đáng quan tâm hiện nay không chỉ là vấn đề vi phạm điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở ấp nở và chăn nuôi thuỷ cầm, mà ý thức chủ quan trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm vẫn còn tồn tại. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay. Ông Nguyễn Khắc Chuyên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo kết quả của đoàn kiểm tra hiện trạng các lò ấp trứng vịt trên địa bàn tỉnh, trong số 42 lò ấp trứng được kiểm tra thì chỉ có 1 lò là đủ điều kiện vệ sinh thú y. Do tập quán chăn nuôi vịt của người dân là chăn nuôi nhỏ lẻ cho nên việc ấp nở cũng mang hình thức manh mún tự phát thủ công. Ban đầu người dân dự định ấp trứng vịt lộn, nhưng nếu bán không được họ cho ấp nở thành vịt con.


Quyết định 1361 của Thủ tướng Chính phủ về việc di dời các cơ sở ấp nở chăn nuôi thuỷ cầm đến nơi quy hoạch, cho đến nay vẫn chưa được thực hiện ở Đắk Lắk./.