00:00 Số lượt truy cập: 2661704

Đắk Nông: Bài học kinh nghiệm từ mô hình măng tây xanh 

Được đăng : 03/11/2016
Nhằm chuyển đổi kinh tế cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, từ năm 2010-2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đăk Nông đã kết hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư các huyện Tuy Đức, Đăk R’lấp, Đăk Song triển khai 3 mô hình măng tây xanh với tổng kinh phí 209.745.500 đồng. Qua quá trình triển khai, mô hình đã được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nông dân, nhưng cũng gặp không ít khó khăn về vấn đề kỹ thuật và đầu ra sản phẩm.

Vụ Đông Xuân 2010, mô hình măng tây xanh được triển khai lần đầu tiên tại huyện Tuy Đức. Do chưa nắm bắt vững kỹ thuật ngâm ủ giống nên số lượng lớn giống đã bị thối rữa. Sang năm 2011, thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình măng tây xanh tại huyện Đăk R’lấp. Do chọn đất không phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây măng tây, nên khi cây còn nhỏ bộ rễ kém phát triển, cây sinh trưởng yếu. Đến vụ Đông Xuân 2012, mô hình tiếp tục được triển khai tại huyện Đăk Song. Rút kinh nghiệm từ 2 vụ trước, cán bộ kỹ thuật đã nắm vững kỹ thuật ngâm ủ giống và chọn đất phù hợp nhưng do chưa nắm bắt được tình hình sâu bệnh hại kịp thời nên mô hình cũng không thành công. Qua việc triển khai 3 mô hình trên cho thấy, cây măng tây xanh không phải là cây khó sinh trưởng và phát triển trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Để mô hình măng tây xanh được thành công và đi vào thực tiễn sản xuất ổn định, cần chú ý những vấn đề sau:

Khâu chọn đất: Là khâu đầu tiên quyết định sự thành công hay thất bại của mô hình. Đất thích hợp để trồng măng tây xanh là đất phù sa, đất xám, đất đỏ… Đất phải có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, đất không quá dốc để hạn chế xói mòn. Điều đặc biệt quan trọng là bộ rễ măng tây xanh phát triển mạnh và sâu, nên chọn đất trồng phải có mực nước ngầm dưới 1,2m để măng có thể phát triển tốt và không bị ngập úng, thuận tiện cho việc tưới tiêu vào mùa khô.

Ngâm ủ giống: Vỏ măng tây rất cứng nên quá trình ngâm ủ giống diễn ra lâu hơn so với một số loại giống khác. Trong quá trình ngâm ủ giống, khâu quan trọng là phải đảm bảo được nhiệt độ trong quá trình ngâm ủ và phải rữa chua hàng ngày để hạt khỏi bị thối. Nhiệt độ thích hợp trong khi ngâm là 54 độ C (2 sôi + 3 lạnh) sau 12 giờ vớt ra ủ. Nhiệt độ ủ thích hợp từ 18 – 25 độ C. Nếu nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn trong quá trình ngâm ủ điều ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm của hạt. Quá trình ủ hạt thường từ 7 – 10 ngày thì hạt bắt đầu nảy mầm.

Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại: Khi mới trồng cần phải cắm cọc, giăng dây để chống đổ ngã cho măng. Măng tây là loại cây ưa nước, cần thường xuyên tưới nước cho cây nhưng phải thoát nước cho măng vào mùa mưa nếu không cây sẽ bị ngập úng. Cây măng tây rất mẫn cảm với các loại sâu bệnh hại, đặc biệt vào mùa mưa tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát triển mạnh gây nên các bệnh thối thân. Vết bệnh hình đốm trên thân, vàng lá kéo dài và phân tán khắp khóm cây, lây lan nhanh và gây chết dần. Cần phun phòng trừ định kỳ từ 10 – 15 ngày phun 1 lần để măng phát triển khoẻ mạnh.

Giá cả và thị trường tiêu thụ: Là vấn đề không kém phần quan trọng để măng tây xanh được nhân rộng. Tại thị trường tiêu thụ ở các tỉnh lân cận, giá măng tây trung bình 50.000 đồng/kg. Hiện nay, trên địa bàn Đăk Nông chưa có điểm thu mua măng tây, sản phẩm làm ra của nông dân không có nơi tiêu thụ. Anh Nguyễn Đức Thể ở thôn 6, xã Kiến Thành, huyện Đăk R’lấp cho biết: Năm 2011, gia đình anh được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đầu tư 0,3 ha trồng măng tây xanh với tổng kinh phí 38.443.500 đồng, chưa tính công lao động chăm sóc của gia đình. Hàng ngày, anh thu được 3 – 5 kg măng tây, nhưng do không có thị trường tiêu thụ nên giá đình phải phá bỏ chuyển sang loại cây trồng khác.

Để măng tây xanh thực sự trở thành một loại cây trồng mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân thì các ngành chức năng cần phải nghiên cứu sâu về măng tây xanh; Nghiên cứu khoanh vùng nguyên liệu những vùng đất thích hợp để trồng măng tây; Thu hút các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để mở các điểm thu mua sản phẩm cho người nông dân; Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng măng tây xanh.

Nguyễn Thanh Nga - TTKNKN Đăk Nông