00:00 Số lượt truy cập: 2638306

Dân Hải Phòng đổ xô đi sản xuất nấm 

Được đăng : 03/11/2016

Chưa bao giờ phong trào sản xuất nấm thương phẩm ở ngoại thành Hải Phòng lại ồn ã như thời gian này. Nhiều xã, hộ nông dân đổ xô đi học cách làm và tìm diện tích sản xuất nấm.


Đơn giản vì, sản xuất nấm thương phẩm "một vốn, bốn lời", không những thế, còn tạo được công ăn việc làm, nhất là vào thời điểm những lao động bị mất việc trong các doanh nghiệp phải dạt về quê tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên, bài học từ những "vết xe đổ" trước đây còn đó, sản phẩm sản xuất ra nhiều, nhưng bán ở đâu thì vẫn chưa được ai tính đến.

Nhà nhà trồng nấm, người người trồng nấm

Sở dĩ các địa phương của Hải Phòng chủ trương nhân rộng mô hình sản xuất nấm thương phẩm, gồm: Nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, mộc nhĩ… và được đông đảo hộ nông dân hưởng ứng như vậy, là vì hiệu quả kinh tế từ việc trồng nấm thương phẩm khá cao.

Một chủ hộ nông dân ở huyện Tiên Lãng cho hay, giá 1kg nấm thời điểm giữa năm 2008 từ 10 - 15 nghìn đồng, còn dịp cận Tết Nguyên đán Kỷ Sửu là 20 - 25 nghìn đồng. Nếu hạch toán chi phí, mỗi kilôgam nấm thu lời 6 - 10 nghìn đồng (thời điểm giữa năm) và 10 - 20 nghìn đồng (dịp cận Tết).

Trong khi đó, đầu tư cho việc trồng nấm không quá tốn kém, 1 tấn nguyên liệu (rơm) có thể cho thu hoạch thường xuyên từ 150 - 160kg nấm. Với giá cả ổn định như hiện nay, diện tích lán trại khoảng 400m2, có thể cho thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng. Rõ ràng, so với một số cây trồng khác, trồng nấm thu lời cao hơn nhiều lần là điều không phải bàn.

Hai huyện của Hải Phòng có nhiều mô hình về trồng nấm thương phẩm là Tiên Lãng và Vĩnh Bảo. Năm 2008, huyện Vĩnh Bảo đạt sản lượng nấm thương phẩm 305 tấn, với gần 60 hộ được huyện hỗ trợ để sản xuất đại trà, chưa kể 75 hộ khác cũng đã xây dựng thành công mô hình sản xuất nấm thương phẩm. Chủ trương của huyện Vĩnh Bảo trong năm 2009 này, tiếp tục hỗ trợ để nhiều hộ nông dân trồng và chế biến nấm thương phẩm.

Đối với huyện Tiên Lãng, chưa kể số hộ trồng mới, chỉ tính riêng năm 2008 đã có 170 hộ sản xuất nấm. Dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua, 150 tấn nấm các loại cũng đã được thu hoạch, bán hết ngay tại lán. Nông dân rất phấn khởi không chỉ vì hiệu quả cao, mà còn vì mô hình trồng nấm nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng được huyện quan tâm, hỗ trợ rất tích cực, với các mức từ 2 - 3 triệu đồng/lán trại tùy theo quy mô 100 đến 500m2.

Thậm chí, địa phương còn chủ trương hỗ trợ 50% kinh phí cho những hộ xây dựng nhà xưởng chế biến nấm. Chính nhờ vậy, không ít hộ nông dân có đông lao động đã tìm được hướng đi hiệu quả cho mình. Chưa kể, nhiều gia đình có con em đi làm công nhân xa nhà, do bị lỡ, mất việc trong các doanh nghiệp, đang rồng rắn về quê "lên kế hoạch" trồng nấm.

"Đầu ra" ai lo?

Vẫn biết, chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích là điều nông dân nên làm. Không những thế, chính quyền và ngành chức năng còn cần phải khuyến khích, hỗ trợ nông dân một cách tích cực. Chỉ có điều, khuyến khích trồng cây gì, nuôi con gì cũng cần phải tính đến yếu tố sản phẩm tiêu thụ ra sao? ổn định hay không ổn định?

Thực tế, việc trồng nấm thương phẩm hiện nay ở Hải Phòng, dường như các hộ nông dân mới chỉ trồng theo… phong trào, thấy hiệu quả thì đua nhau làm chứ chưa lường được hậu quả, nếu sản xuất nhiều, không nơi tiêu thụ.

Trong khi đó, người "cầm chịch" và cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ "đầu ra" sản phẩm cho nông dân, là các cấp chính quyền ở địa phương, thì việc này cũng đang loay hoay, chưa biết tính ra sao. Như vậy có nghĩa, nông dân sẽ phải tự "bơi"(!?).

Còn nhớ, nông dân hai huyện An Dương và Thủy Nguyên của Hải Phòng đã từng phải chặt, vứt bỏ hàng trăm tấn bắp cải, do trồng quá nhiều, giá cả "bèo", thậm chí cho không ai lấy. Gần đây nhất, sau cơn lũ lịch sử, nông dân ngoại thành Hà Nội trồng rau, nhưng không muốn thu hoạch, vì không bán được cho ai. Hậu quả là, cây cần trồng thì không có đất, không được đầu tư, còn cây không cần diện tích lớn thì lại ồ ạt trồng, vừa tốn kém, lãng phí, vừa gây mất an ninh trong nông nghiệp.

Trở lại với việc sản xuất nấm thương phẩm ở Hải Phòng. Bài học nhãn tiền còn đó, nếu không muốn để nông dân lại phải phá bỏ những lán trại nấm, cộng với nợ nần ngân hàng, thì ngoài quy hoạch, hỗ trợ kinh phí ra, các địa phương cần phải chủ động giúp nông dân tìm "đầu ra" ổn định, lâu dài cho sản phẩm này. Chỉ khi, bài toán "đầu ra" được giải cặn kẽ, hợp lý thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói chung, sản xuất nấm nói riêng mới thực sự mang lại hiệu quả cao, bền vững.