00:00 Số lượt truy cập: 2638242

Để nhãn sai hoa nhiều quả 

Được đăng : 03/11/2016
Theo tổng hợp của các địa phương, toàn tỉnh có khoảng 3 nghìn ha nhãn hàng năm đã cho thu hoạch, tập trung nhiều ở các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Thời điểm này, hầu hết các cây nhãn đã phát triển giò hoa, một số vườn nhãn sớm hoa bắt đầu nở. Tại các vùng chuyên canh nhãn, chủ vườn tích cực áp dụng các biện pháp xử lý cho hoa đậu quả và đang tập trung phòng, trừ sâu, bệnh gây hại.

Huyện Khoái Châu có trên 1,6 nghìn ha nhãn, chủ yếu là nhãn thu hoạch muộn, trong đó khoảng 1000ha đã cho thu hoạch hàng năm. Anh Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Năm 2014, tổng sản lượng nhãn toàn huyện đạt hơn 6 nghìn tấn, giảm gần 1/2 so với năm 2013. Nguyên nhân do thời kỳ ra hoa gặp mưa nhiều, thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, gây hại, trong khi đó nhiều hộ không phòng trừ kịp thời nên nhãn sai hoa nhưng tỷ lệ đậu quả thấp, thậm chí có vườn mất trắng. Xuất phát từ thực trạng trên, năm nay Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp cùng với các doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên nhãn cho các chủ vườn. Thời điểm này, các chủ vườn đã áp dụng các biện pháp giúp nhãn ra hoa như khoanh vỏ, xới gốc, bón tưới phân và phòng trừ sâu, bệnh gây hại bằng các loại thuốc đặc hiệu. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lịnh, một chủ vườn ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử nhớ lại: “Năm trước nhãn sai hoa, cả làng hy vọng được mùa, ai ngờ nhiều cây hoa chưa nở đã cháy khô, cây không bị khô hoa thì đậu quả rất thấp và rụng non, nhiều cây không còn quả nào. Ban đầu, tôi thấy hiện tượng một số hoa ở những cành la (cành thấp) bị cháy khô, sau đó lan lên các cành còn lại. Các vườn khác ở cùng thôn cũng có hiện tượng này. Khi hỏi cán bộ chuyên môn mới biết đó là bệnh sương mai, nấm, rệp gây hại. Rút kinh nghiệm từ vụ trước, vụ này, ngoài áp dụng các biện pháp khoanh vỏ, tưới phân, hóa chất, tôi đã chủ động tìm mua các loại thuốc đặc hiệu để phun lá, tưới gốc phòng trừ sâu bệnh. Do vậy đến nay, các giò hoa ra khá đều và tươi tốt”.

Chăm sóc nhãn ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên)

Dẫn chúng tôi thăm vườn nhãn của gia đình, ông Dương Văn Quyết ở xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) giải thích: Do nhãn ở vùng đất bãi thường phát lộc tán rất khỏe nên tôi thường áp dụng biện pháp khoanh vỏ nhằm hạn chế cây sinh trưởng (ra lá, ra lộc) để nhãn phân hóa mầm hoa, nở hoa, đậu quả theo ý muốn. Tùy theo cây khỏe, cây yếu mà khoanh nặng hay nhẹ, nhiều hay ít. Khoanh vỏ tốt kết hợp không tưới trong thời kỳ cây phân hóa mầm hoa, chỉ tưới đẫm nước trước khi cây ra hoa sẽ cho kết quả tốt, đồng thời hạn chế được hiện tượng rụng quả non. Việc điều chỉnh, xử lý cho nhãn ra hoa theo ý muốn một cách thuần thục, có tính chuyên nghiệp nhằm rải vụ thu hoạch trong các thời gian khác nhau theo từng giống chín sớm, chính vụ và chín muộn của nhiều chủ vườn ở thành phố Hưng Yên.

Ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm HTX nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) là người có nhiều kinh nghiệm trồng nhãn chia sẻ: Trước hết muốn cho vườn cây xanh tốt, sai quả và luôn được mùa thì người trồng phải biết thâm canh một cách khoa học. Đặc tính của cây nhãn thường là "năm ăn quả, năm trả cành", song ở những vùng chuyên canh, người trồng nhãn đã biết kết hợp những kinh nghiệm lâu năm từ khâu dự đoán trước được thời tiết, biết tình hình “sức khỏe” của từng cây để có cách chăm bón, kết hợp với áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới, tạo ra vùng nhãn chuyên canh theo hướng bền vững, cây năm nào cũng ra hoa, đậu quả, năng suất, chất lượng tốt, cho giá trị kinh tế và thu nhập cao. Nhiều người đã nắm vững và làm chủ được các biện pháp kỹ thuật như: Bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh; xử lý cho nhãn ra hoa bằng hóa chất, bằng kỹ thuật khoanh vỏ, ghép cành tạo tán, cải tạo đổi giống; chống rụng hoa, rụng quả non. Theo ông Thinh, các giải pháp kỹ thuật này không chỉ nhằm ứng phó với thời tiết bất thuận, làm tăng năng suất, chất lượng nhãn mà thực tế đã khẳng định tính chuyên nghiệp của các nhà vườn và tạo uy tín của nhãn lồng Hưng Yên với thị trường.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hưng Yên, vụ xuân năm nay có nhiều ngày thời tiết mưa phùn, trời âm u. Đây là điều kiện thuận lợi cho các bệnh sương mai, thán thư và các loại sâu, bệnh phát sinh, phát triển, gây hại nhãn; nếu trời ấm, bọ xít sẽ phát dục gây hại trên nhãn. Để nhãn sai hoa, tỷ lệ đậu quả cao, ngành nông nghiệp và PTNT khuyến cáo các chủ vườn chăm sóc nhãn theo đúng quy trình kỹ thuật, chủ động và thường xuyên phòng, trừ sâu bệnh, nhất là bệnh sương mai, thán thư bằng các loại thuốc đặc hiệu. Khi nhãn nở hoa cái cần cắt tỉa bớt những cành yếu, phân tán, phân chùm phù hợp với khả năng nuôi quả của từng cây…

Đức Toản