00:00 Số lượt truy cập: 2662199

Đổi thay ở một vùng kinh tế mới 

Được đăng : 03/11/2016

Nông phẩm mà người dân làm ra mặc dù giá rất rẻ, song muốn tiêu thụ cũng không phải là dễ. Anh Trần Hữu Hiệu, nguyên trưởng thôn 1 xã Giang Mao cho biết: có thời điểm cà phê hạt phơi khô ở thôn 1 xã Giang Mao xuống chỉ còn 2,5 đến 3 ngàn đồng 1 kg mà cũng ít người mua.


Vào một ngày cuối tuần tháng 5/2007, từ bến xe Buôn Mê Thuột, tôi thuê cuốc xe ôm đi gần 100 km để đến vùng kinh tế mới thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk. Đúng vào thời điểm nơi đây đang chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội, nên người dân các xã vùng sâu vùng xa này chộn rộn hẳn lên.


Còn nhớ, cách đây chỉ vài năm thôi, khi đến vùng kinh tế mới xã Hoà Lễ, Hoà Phong, Giang Mao huyện Krông Bông, tôi chứng kiến cảnh đồng bào dân tộc cũng như người Kinh vào mùa mưa đường sá lầy lội, đường biến thành ổ trâu, ổ voi. Khi trời nắng, mỗi lần có chiếc xe hơi dù là trọng tải nhỏ lưu thông trên đường thì bụi đất đỏ bay mù mịt chẳng khác nào cơn lốc xoáy, đứng cách xa chừng 3 mét là hết thấy nhau. Bầu không khí bị ô nhiễm nặng, tất cả người dân ở đây đều lãnh đủ.


Từ thị trấn huyện lị Krông Bông vào đến xã Giang Mao, con đường dài gần 40 km hễ mưa là đất đỏ dẻo quẹo, đi lại rất khó khăn. Hằng năm cứ đến hẹn lại lên, sau mỗi mùa mưa là đường hư hỏng nặng, vào mùa khô, ngành giao thông lại cho múc đất hai bên đắp lên. Công việc mà người dân nơi đây ví von rằng “dã tràng xe cát cao nguyên” vẫn được lặp đi lặp lại nhiều năm trời, tổn phí biết bao nhiêu tiền của, công sức, rốt cuộc đường vẫn hư hỏng nặng. Nông phẩm mà người dân làm ra mặc dù giá rất rẻ, song muốn tiêu thụ cũng không phải là dễ. Anh Trần Hữu Hiệu, nguyên trưởng thôn 1 xã Giang Mao cho biết: có thời điểm cà phê hạt phơi khô ở thôn 1 xã Giang Mao xuống chỉ còn 2,5 đến 3 ngàn đồng 1 kg mà cũng ít người mua.


Vài năm gần đây các thôn, bản làng vùng sâu của huyện Krông Bông này đã có điện lưới quốc gia. Vì thế người dân rất phấn khởi, có được nguồn ánh sáng giúp con em học hành, có thể coi ti vi mặc dù sóng yếu rất mờ. Rồi con đường từ thị trấn Krông Bông vào đến xã Giang Mao có đoạn được tráng nhựa, có đoạn phải đổ bê tông để tránh hư hỏng sau này. Bà con ở đây, vài năm qua trúng mùa cà phê, điều, bắp, đậu nên sẵn tiền mua sắm đồ dùng, nhiều gia đình mua được xe gắn máy. Đường sá được tráng nhựa đi lại tốt hơn trước, không còn tình trạng ổ trâu, ổ voi nữa.


Có an cư mới lạc nghiệp, nhà cửa ở vùng kinh tế mới huyện Krông Bông bây giờ có nhiều đổi thay, trên 95% nhà dân được lợp ngói tường xây hoặc vách ván gỗ. Phần lớn các gia đình đều có ti vi, đầu máy, một số nhà kinh tế vững thì sắm thêm dàn karaoké, mua máy tưới cà phê có gắn thêm bộ phận phát điện. Đặc biệt ở làng kinh tế mới Hà Nam Ninh, nơi giữa thung lũng bốn bề là núi bao quanh của xã Giang Mao cũng có những đổi thay rõ nét. Bây giờ cảnh khó cũ đang dần lùi vào quá khứ, dân trúng mùa cà phê, dứa, điều đổi đời làm nhà mới, mua sắm đồ dùng…

Ở các xã đã có nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đồng bào tập trung đến chủ yếu vào các ngày có lễ hội. Truyền hình chỉ thu được có 1 đến 2 kênh. Gần đây, nhiều gia đình đã mua bộ giải mã, ăng ten chảo loại nhỏ, thu được 5 kênh đài truyền hình Việt Nam, vừa phù hợp với túi tiền, cả gia đình coi được tin tức thời sự, phim ảnh qua vệ tinh, rõ nét, đẹp, âm thanh tốt. Mạng lưới bán lẻ xăng dầu của Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên đã tiếp cận, bao phủ khắp đến tận vùng sâu, vùng xa. Phương tiện lưu thông ở khu vực này không còn cảnh lo sợ thiếu nhiên liệu như trước.


Anh Trần Mậu Quyết, một phó bí thư Đảng ủy trẻ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Giang Mao là một xã vùng sâu của huyện Krông Bông, nơi căn cứ kháng chiến cũ, đồng bào Kinh sống chung hòa thuận cùng đồng bào dân tộc. Dân quân xã cả thảy hơn 100 người, thời điểm một số kẻ quá khích xúi giục đồng bào hòng gây bạo loạn, xã huy động kịp thời số anh em này hỗ trợ huyện, tỉnh vận động bà con trở về nhà làm ăn không nghe theo kẻ xấu. Vất vả lắm đấy, anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao, song phụ cấp hàng tháng cho lực lượng này thì xã rất muốn hỗ trợ, song không thể có nguồn kinh phí nào.


Đổi thay ở vùng kinh tế là tín hiệu đáng mừng, bởi đây là thành công về chủ trương của các cấp Đảng, chính quyền từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Mục tiêu là tiến tới giảm dần khoảng cách thu nhập giữa miền núi với miền xuôi. Dân giàu nước mạnh, điều mà chủ tịch xã Trần Mậu Quyết luôn tâm đắc.