Tiềm năng phát triển ngành thủy sản tại hồ Trị An, tỉnh Đồng Nai là rất lớn (Ảnh: K.V)

Đồng Nai hiện có tổng diện tích là 8.816 ha nuôi trồng thủy sản; sản lượng thủy sản thu được trong năm khoảng 54,6 nghìn tấn, trong đó, mô hình nuôi trồng thủy sản nước lợ cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Với tiềm năng diện tích mặt nước là gần 70 nghìn ha, bao gồm hệ thống hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi, hệ thống sông Đồng Nai, La Ngà và sông Thị Vải…, Đồng Nai được cho là một trong những tỉnh có điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng và khai thác thuỷ sản nước ngọt và nước lợ trong khu vực Đông Nam bộ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: nuôi thuỷ sản trong lồng, bè, hồ chứa; nuôi thuỷ sản theo mô hình VAC với các loài thuỷ sản kinh tế cao như cá chình, cá lăng, ba ba, lươn... Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, lợi thế mặt nước để nuôi trồng thủy sản của địa phương này vẫn chưa tận dụng được hết bởi nhiều nguyên nhân như: người nuôi trồng thủy sản thiếu vốn để đầu tư vào các mô hình nuôi thả, việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực này còn hạn chế, giá thức ăn cho thủy sản tăng cao, khiến người nuôi không có lãi...

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi thủy sản ở thành phố Biên Hòa cá bị chết hàng loạt, có đợt cá chết hàng chục tấn khiến nhiều gia đình mắc nợ lớn, mà một phần nguyên nhân là do nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm. Không những thế, ngay cả các hộ nuôi cá bè trên hệ thống sông của tỉnh Đồng Nai cũng trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước do lượng thức ăn xả thẳng xuống sông, hồ, khiến nước ở những khu vực gần đó cũng bị ảnh hưởng.

Được biết, sản xuất thủy sản của Đồng Nai chiếm tỷ trọng khoảng 6,5% trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thông của tỉnh này./.

K.V