00:00 Số lượt truy cập: 2637642

Đồng Nai: Những người làm giàu từ nghề nuôi lợn rừng lai 

Được đăng : 03/11/2016
Người tiên phong đi đầu trong việc nuôi lợn rừng lai ở tỉnh Đồng Nai là anh Nguyễn Trung Thành có trang trại trồng cây ăn trái rộng hơn 20 ha ở xã Xuân Hòa (huyện miền núi Xuân Lộc). Cách đây hơn 6 năm, khi bỏ ra hơn 10 tỷ đồng xây dựng trang trại trồng xoài cát Hòa Lộc, nhãn tiêu da bò, sầu riêng hạt lép, anh Thành nảy ra ý tưởng độc đáo: nuôi lợn rừng lai, vừa lấy phân bón cho vườn cây, vừa thí điểm nuôi loại vật nuôi mới mà từ trước đến nay chưa ai dám làm.


Từ ý nghĩ đó, anh Thành lặn lội đến các vùng đồng bào dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên tìm mua loại lợn nuôi thả rông (người dân thường gọi là heo mọi) sống theo kiểu bán hoang dã, đặc biệt có loại đã được lai tạo với giống lợn rừng về nuôi thử. Gần 1 năm, anh Thành đã tìm mua được hơn 100 con lợn, trong đó chủ yếu là lợn rừng lai về thả rông trong trang trại được bao bọc xung quanh bằng hàng rào kẽm gai chắc chắn, có suối nước chảy qua, có cây cối um tùm, phù hợp với cảnh quan hoang dã. Mỗi ngày, bầy lợn được cho ăn 2 lần vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều ở nhiều máng ăn khác nhau; thời gian còn lại lợn kiếm ăn tự do, không cần chuồng trại, sức đề kháng tốt. Chỉ sau vài tháng, một số lợn nái đã sinh sản mang gien heo rừng với mõm nhọn, chân cao, lông dựng đứng có sọc vàng, sọc trắng. Sau khi chào hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, thịt lợn rừng lai được khách hàng đặc biệt ưa chuộng dù giá bán cao hơn nhiều lần so với thịt heo thường. Anh Thành cho biết: trong 5 năm qua, thu nhập bình quân mỗi năm của trang trại cả hàng tỷ đồng, trong đó riêng giống lợn rừng lai xuất ra cả trăm con với giá cả triệu đồng mỗi con giống, chưa kể số heo thịt bỏ mối cho các nhà hàng. Nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến trang trại của anh mua lợn giống nhưng cung vẫn không đủ cầu.

Học tập kinh nghiệm của anh Nguyễn Trung Thành, cách đây hơn 3 năm, anh Lê Song Bình có trang trại rộng 12 ha chuyên trồng cây ăn trái ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai tiến hành nuôi heo rừng lai, gà sao, kỳ đà với mức thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng và vài năm tới sẽ đạt cả tỷ đồng. Không quản ngại khó khăn gian khổ, chủ trang trại Lê Song Bình lặn lội ra các tỉnh Tây Nguyên mua 20 con lợn nuôi thả rông của các hộ dân tộc thiểu số, 70 con gà sao và vài chục con kỳ đà về nuôi trong trang trại. Chỉ sau một thời gian nuôi theo kiểu thả rông: sáng cho lợn ăn ngô nấu, sau đó lợn tự vào rừng kiếm ăn, tối lại trở về trang trại. Nuôi được vài tháng, một điều bất ngờ đã xảy ra: nhiều con lợn nái trong đàn đã được phối giống tự nhiên với giống heo rừng tạo ra một dòng lợn lai hoang dã có chân cao, mõm nhọn, có lông trắng 2 bên mặt và sườn, thịt chắc thơm ngon với tỷ lệ nạc hơn 80%. Chỉ sau hơn 2 năm nuôi theo phương pháp trên, đàn lợn trong trang trại của anh Bình đã lên tới hơn 100 con, trong đó 30% là số lợn lai giống với lợn rừng với con lớn nhất nặng khoảng 30 kg bán được với giá cao gấp từ 5 đến 6 lần/ kg so với các giống lợn lai thông thường trên thị trường. Hàng ngày sau khi ăn sáng, chúng chia thành từng tốp đi ủi đất, kiếm ăn trong trang trại. Mặc dù đến nay vẫn đang trong giai đoạn nhân đàn, nhưng nhiều người ở các tỉnh phụ cận đã tìm đến hỏi mua giống lợn lai. Anh Bình cho biết: nuôi lợn bán hoang dã như trên không khó và lại nhàn hạ vì chỉ cho heo ăn thức ăn bổ sung vào mỗi buổi sáng, sau đó chúng tự đi kiếm ăn, phối giống trong trang trại. Khoảng 6 tháng lợn nái sinh sản 1 lứa được từ 6 đến 8 con. Hiện nay anh Bình đang nhân đàn heo lên khoảng vài trăm con rồi mới đưa vào kinh doanh và chỉ dám nhận cung cấp lợn thịt cho một số nhà hàng. Ngoài đàn heo đang phát triển khá thuận lợi, số gà sao và kỳ đà trong trang trại cũng phát triển khá tốt hứa hẹn cho nguồn thu nhập không nhỏ trong vài năm tới.

Từ kinh nghiệm nuôi lợn rừng lai của anh Nguyễn Trung Thành và anh Lê Song Bình, hiện có hàng chục hộ dân các huyện miền núi ở tỉnh Đồng Nai đang nuôi lợn thả rông trong vườn được mua giống từ các tỉnh vùng Tây Nguyên để làm giàu./.