00:00 Số lượt truy cập: 2668278

Đồng Nai: làng nghề Sông Trầu thoát nghèo nhờ trồng nấm 

Được đăng : 03/11/2016
Hiện nay, xã Sông Trầu thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã có gần 200 hộ dân chuyên sản xuất nấm, cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/năm. Trồng nấm đang là hướng đi thoát nghèo hiệu quả của vùng quê thuần nông này.

Người làm ăn phát đạt nhất ở xã Sông Trầu, trước tiên phải kể đến anh Vũ Đình với 20 trại chuyên sản xuất nấm mèo (mộc nhĩ) và nấm bào ngư, cho sản lượng mỗi năm khoảng 30 tấn nấm bào ngư và 10 tấn nấm mèo, tiêu thụ chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và xuất sang Trung Quốc, thu lời khoảng 100 triệu đồng. Do tập trung đầu tư nên liên tục 5 năm qua, sản lượng và chất lượng nấm của anh Đình luôn ổn định, thu hút 20 lao động, chủ yếu là người già và trẻ em với mức thu nhập từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng.

Ngoài cơ sở trồng nấm của anh Đình, còn có 2 cơ sở vừa sản xuất nấm giống vừa trồng nấm của anh Nguyễn Văn Thắng và chị Đinh Thị Phương Dung đều có quy mô lớn đưa lại thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.|Mỗi ngày, các cơ sở này cung cấp cho khách hàng khoảng 4.000 chai nấm giống với giá 1.400 đồng/chai. Anh Thắng với thâm niên hơn 10 năm trong nghề sản xuất các loại nấm giống thuần chủng cho biết: để có nấm giống đạt chất lượng chuẩn, cần thực hành đúng công thức với thao tác nhanh, nhịp nhàng, đúng kỹ thuật trong môi trường tiệt trùng. Để phân lập được giống các loại nấm cần chọn những tai nấm giống tốt, không bị bệnh, sau đó tẩy trùng mặt ngoài rồi xử lý bằng hóa chất và cắt thành miếng nhỏ cấy vào trong hộp lồng đã pha chế các hỗn hợp cho ra tơ nấm đem cấy trong ống nghiệm.

Hiện nay, mỗi năm Sông Trầu cung cấp hàng trăm tấn meo nấm (nấm giống) và nhiều loại nấm có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm sò, nấm đông cô... cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Sông Trầu đang hướng tới thành lập hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nấm, nhằm ổn định đầu ra và giá cả sản phẩm cho người trồng nấm./