00:00 Số lượt truy cập: 2668312

Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng hệ thống kho hàng công suất 440 nghìn tấn 

Được đăng : 03/11/2016

Theo Bộ Công Thương, mục tiêu của việc xây dựng hệ thống kho hàng để phát triển hệ thống kho hàng hóa đồng bộ cùng với tích hợp các dịch vụ logistics trọn gói, thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và xuất khẩu tại Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.



Với sản lượng lương thực và thủy sản dẫn đầu cả nước

Đồng bằng sông Cửu Long cần có hệ thống kho lạnh thương mại hiện đại để bảo quản (Nguồn: Báo Cần Thơ)

Qua đó, từng bước chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng đầy đủ và thường xuyên nhu cầu tập kết, lưu trữ và bảo quản hàng hóa phục vụ công nghiệp chế biến. Theo phương án quy hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, khai thác, vận hành hệ thống kho hiện có với tổng công suất khoảng 440.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thu mua tạm trữ lúa phục vụ sản xuất kinh doanh, chế biến xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại khu vực này sẽ xây mới hệ thống kho lạnh thương mại với tổng công suất kho khoảng 185.000 tấn. Đối với kho lạnh sản xuất, thực hiện cải tạo, nâng cấp hệ thống kho hiện có; xây mới hệ thống kho lạnh sản xuất có tổng công suất khoảng 170.000 tấn theo nhu cầu phát triển của doanh nghiệp thủy sản, trang thiết bị đồng bộ với dây chuyền sản xuất của nhà máy, bố trí tại các khu, cụm trong vùng.

Giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2035, thực hiện nâng cấp, cải tạo, mở rộng 2 tổng kho nông sản và hệ thống kho của các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản và xuất khẩu với tổng công suất kho khoảng 660.000 tấn. Xây mới hệ thống kho lạnh thương mại với tổng công suất kho khoảng 275.000 tấn. Bên cạnh đó, nâng cấp mở rộng và xây dựng mới hệ thống kho lạnh sản xuất với tổng công suất khoảng 225.000 tấn. Hệ thống kho hàng hóa nói trên nằm trên địa bàn thành phố Cần Thơ, các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cà Mau.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương "Quy hoạch hệ thống kho hàng hóa phục vụ phát triển công nghiệp chế biến Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” mà Bộ vừa phê duyệt là phát triển hệ thống kho hàng hóa trở thành một trong các cơ sở hạ tầng thương mại nòng cốt phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và xuất khẩu tại Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; số lượng, loại hình, quy mô và công năng kho hàng hóa do nhu cầu về sức chứa của các loại hàng hóa phục vụ ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu quyết định.

Phát triển hệ thống kho hàng hóa phục vụ ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu phải đồng bộ và tương thích với định hướng phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng kỹ thuật của Vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống kho hàng hóa phục vụ ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu về công suất hay sức chứa đi đôi với phát triển về dịch vụ kho hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.../..

K.V