00:00 Số lượt truy cập: 2668574

Đưa cây xoài xuống vùng ngập lũ 

Được đăng : 03/11/2016
Phát triển nông nghiệp, đưa các giống cây trồng về vùng ngập lũ là bài toán khó của nước ta hiện nay. Thành công trong việc nghiên cứu đưa cây xoài ngoại nhập trồng tại các vùng ngập lũ, Viện Công nghệ Sinh học Ứng dụng đã tìm được lời giải cho bài toán này, mở ra hướng sản xuất mới, nâng cao đời sống của nông dân, chống xói mòn đất, cản sóng, cản gió…

Đầu năm 2004, khi đi khảo sát vùng ngập lũ, KS. Trần Xuân Tư - Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Ứng dụng, đã thấy  hầu hết các loại cây hoa màu, cây nông nghiệp đều bị lũ xóa sạch, nông dân mất mùa, kinh tế khó khăn. KS. Trần Xuân Tư cùng với tập thể cán bộ của Viện đã trồng thử nghiệm 1ha các giống xoài mới như GL1, GL2, GL6 ở các vùng ngập lũ xã Yên Mỹ - Thanh Trì - Hà Nội.

Trồng và chăm sóc qua 4 mùa lũ, trên 1ha thì tỷ lệ từ 75% - 90% giống xoài GL1, GL2, GL6 sinh trưởng tốt, đã cho hoa và quả, chất lượng quả cao, tạo được thu nhập cho bà con nông dân vùng lũ Yên Mỹ. Thành công từ khu vườn thực nghiệm, Viện Công nghệ Sinh học Ứng dụng đã giải quyết được những bức xúc của bà con vùng lũ hiện nay. Bà con nông dân có thể "chung sống với lũ" nhưng đồng thời vẫn làm kinh tế. Để đạt được kết quả này, Viện đã sử dụng các giống xoài thích hợp cho vùng  ngập lũ, trồng thử nghiệm nhiều loại giống, nghiên cứu, xác định đúng  thời điểm trồng và kỹ thuật chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho cây theo từng giai đoạn phát triển…

KS.Trần Xuân Tư cho biết, cây xoài trồng ở vùng ngập lũ có kỹ thuật và cách trồng rất khác so với cây xoài được trồng trên vùng đất đồi. Để cây trụ được ở vùng lũ thì độ sâu khi trồng cây phải từ 10 cm - 20cm, độ sâu sẽ giúp bộ rễ chính ăn sâu và bám chắc vào lòng đất. Muốn cây có bộ rễ khỏe thì phải cho cây "ăn" với chế độ đặc biệt như dùng phân hữu  cơ bón lót với phân đất, dùng phân NPK nhưng giảm lượng phân đạm, tăng cường gấp đôi lượng phân  lân và kali nhằm kích thích bộ rễ phát triển nhanh, thân cây to và chắc. Chế độ "ăn" của cây sẽ giúp cho lá dày, màu xanh đậm và ít lá non hơn, giảm úng lá khi lũ về. Trước khi đưa xuống trồng tại vùng ngập lũ, cây xoài sẽ được chăm sóc và sinh trưởng ổn định trên vùng đệm cho đến khi cây cao khoảng 1m, rễ chính đã chắc chắn, thân và lá đã phát triển. 

Để cây có thể phát triển trên vùng đất ngập lũ, kỹ thuật và công nghệ trồng phải gắn với môi trường và khí hậu của vùng ngập lũ. Ở Việt Nam, mùa lũ thường  bắt đầu vào cuối tháng 7 Dương lịch, vì vậy cây khi đưa xuống vùng lũ phải phát triển toàn diện hoặc phải qua thời gian phát triển rễ non và lưu ý kết thúc việc bón phân cho cây trước tháng 3 Dương lịch.

Ông Trần Đức Vinh - Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Yên Mỹ cho biết, qua 4 mùa lũ tại địa phương, cây xoài đưa xuống vùng lũ phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, cho nhiều quả, chất  lượng cao như rất thơm, ngon, đậm đà, ngọt… mang đặc trưng của vùng đất phù  sa non ven sông Hồng. Mùi thơm khác hẳn với các loại xoài vùng đất đồi, đó là vị ngọt đậm và không có xơ. Đặc biệt, kỹ thuật trồng và chăm sóc rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là đối với nông dân vùng ngập lũ.

Đưa cây xoài xuống vùng ngập lũ không chỉ để chống và kháng lũ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, mà còn giúp bảo vệ chân đê khỏi bị sạt lở, chắn sóng, chắn gió rất tốt giúp người dân trong vùng lũ có cuộc sống ổn định. Bên cạnh mỗi cây xoài giống với giá 10.000 đồng/1cây, người nông dân còn được tư vấn, hướng dẫn công nghệ và kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đưa cây xoài xuống vùng ngập lũ, Viện đã mở ra hướng đi mới cho cư dân vùng ngập lũ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống kinh tế cho người nông dân trong mùa lũ, đồng thời tạo môi trường sinh thái bền vững.

Hiện tại, đề tài đã thực hiện thành công và mang lại hiệu quả cao cho nông dân vùng ngập lũ, nhưng bước đầu mới chỉ giải quyết được về mặt công nghệ, điều kiện triển khai vẫn còn khó khăn vì kinh phí thực hiện Đề tài hiện chủ yếu là do Nhóm nghiên cứu đóng góp.