00:00 Số lượt truy cập: 2668683

Dùng vỏ lạc cải tạo ruộng và nguồn nước nhiễm kim loại độc 

Được đăng : 03/11/2016
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, vỏ củ lạc, một phế phẩm rẻ mạt của ngành công nghiệp thực phẩm, có thể sử dụng để cải tạo ruộng, lọc các nguồn nước bị nhiễm kim loại độc do các nhà máy thải ra, đặc biệt là ở các vùng đất, nguồn nước bị nhiễm ion đồng (Cu2+).

Nghiên cứu trên được đăng trên Tạp chí Môi trường và Quốc tế cho thấy, đồng là một khoáng chất cần thiết cho sự sống, tuy nhiên, nếu hàm lượng cao trong cơ thể sống, nó sẽ gây hại. Khi các nhà máy, khu công nghiệp thải các chất trên ra đất, nguồn nước với hàm lượng cao chất này sẽ tạo ra sự nguy hại nghiêm trọng tới cây trồng và hệ sinh thái dưới nước. Các ngành công nghiệp luôn thải ra ngoài môi trường các chất thải độc hại trên bao gồm ngành công nghiệp tẩy rửa và mạ kim loại, các nhà máy sản xuất carton và bột giấy, các khu vực sản xuất bột gỗ, công nghiệp phân bón…

Thông thường, nếu xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn kim loại này phải nhờ tới một quá trình phức tạp và tốn kém: kết tủa muối đồng, trao đổi ion, điện phân và sự hút bám lên các máy lọc carbon hoạt hóa thường được sử dụng để loại bỏ ion đồng ra khỏi nước thải công nghiệp bị nhiễm. Còn đối với các khu đất nông nghiệp bị nhiễm các phóng xạ kim loại thì phải xới đất lên, tháo nước vào sau đó làm sạch bằng quy trình trên.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tại trường ĐH Mersin (Thổ Nhĩ Kỳ) đã nghiên cứu khả năng hấp thụ các chất thải trong nước bằng một số chất thì phát hiện ra, vỏ lạc có khả năng đảm nhận công việc này rất hữu hiệu, kế tiếp là mùn cưa cây thông. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra rằng, nước thải càng tiếp xúc với vỏ củ lạc lâu bao nhiêu thì quá trình xử lý càng hiệu quả bấy nhiêu. Vỏ củ lạc có thể loại bỏ 95% ion đồng trong khi mùn của cây thông chỉ loại bỏ được 44%. Quá trình lọc đạt hiệu quả cao nếu nước hơi có tính acid.