Mất cân đối
Liên tục trong các vụ lúa 2008 và Đông xuân 2008 – 2009, ĐBSCL đã sảnxuất lúa không theo nguyên tắc đa dạng sinh học là 1 giống lúa không được vượt quá tỷ lệ 20% tổng diện tích. Theo các nhà khoa học khuyến cáo, việc mất cân đối trong bố trí cơ cấu giống như vậy sẽ làm tăng nhanh tốc độ thích nghi của quần thể dịch hại so với tốc độ lai tạo giống lúa mới. Vụ Đông Xuân năm nay thắng lợi, nhưng đang tiềm ẩn những nỗi lo về sự thiếu bền vững của hạt lúa ĐBSCL.
Chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu rõ: xây dựng cơ cấu giống lúa cần đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn, sử dụng giống chất lượng, bền vững, phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường. Theo đó, mỗi tỉnh hoặc tiểu vùng sinh thái cần xác định bộ giống cho sản xuất gồm các giống chủ lực, giống bổ sung và giống triển vọng mới với tỷ lệ một giống cao nhất không vượt quá 20% diện tích.
Tuy nhiên, các vụ lúa 2008, người nông dân đồng bằng đổ xô vào trồng IR 50404 với tỷ lệ diện tích tăng chóng mặt và các ngànhchức năng chỉ có thể đứng nhìn. Chỉ khi thị trường xuất khẩu nước ta không tìm được đường ra cho giống lúa này và người nông dân là đối tượng gánh chịu hậu quả thì họ mới giật mình. Tại huyện Phong Điền (Cần Thơ), năm 2008, hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thới 1 có hơn 320 ha trồng lúa của 23 xã viên thì đã có 50% diện tích trồng IR 50404 với hơn 1.000 tấn lúa ế ẩm không có kho chứa.
Ông Trần Ngọc Liên – chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: “Ngay ở đầu vụ đông xuân 2008,không biết từ đâu giá IR 50404 gần như ngang giá với lúa dài xuất khẩu nên nông dân đùn ra làm giống này, từ chố đó lúa này nhiều quá, bán không được”. Ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2008 – 2009, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có công văn khuyến cáo: trước hết cần loại bỏ hẳn trong cơ cấu giống vụ Đông Xuân những giống lúa IR 50404và OM 576. Hai giống lúa này chi phí ít, chống chịu sâu rầy tốt, năng suất cao nhưng chất lượng thương phẩm kém, thường dùng chủ yếu làm nguyên liệu trong chế biến lương thực như làm bún, làm bánh, nấu rượu.
Trên thực tế dù không có khuyến cáo này, người nông dân vẫn ồ ạt chuyển đổi sang sản xuất lúa thơm, hạt dài và cân bằng về cơ cấu giống tiếp tục bị phá vỡ theo hướng ngược lại. Hiện lúa thơm, hạt dài chiếm phần lớn tổng diện tích xuống giống, còn IR 50404 và OM 576 gần như bị khai tử trong lúc chưa có giống lúa mới thay thế nào được nông dân tin tưởng.
Doanh nghiệp quá thụ động!
Anh hùng lao động – GS, tiến sĩ Nông học Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang bức xúc: “IR 50404 không khó tiêu thụ mà tại người ta không chịu đi bán. Trên thực tế, số người ăn gạo ngon chỉ chiếm 5 hay 6%, còn đại đa số người ta chỉ cần gạo để ăn thôi. Nhiều nước bên châu Phi rất nghèo, họ chỉ cần có gạo giá rẻ. Nhưng doanh nghiệp của mình thụ động quá!”.
Cũng theo GS.TS Võ Tòng Xuân, “Nhà nước phải xiết vào chỗ này, yêu cầu mỗi doanh nghiệp thành lập vùng nguyên liệu của mình, xác định giống lúa theo tiềm năng thị trường riêng của họ rồi hỗ trợ nông dân về giống, phân, thuốc… Các nhà khoa học thì chỉ cho họ qui trình sản xuất theo các tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật GAP…”.
Vụ Đông Xuân vừa qua, chỉ tính riêng lúa Jasmine 85, nông dân thành phố Cần Thơ đã xuống giống gần 40.500 ha, chiếm tỷ lệ khoảng 44, 9% tổng diện tích. Trong khi đó, lúa IR 50404 và OM 576 tuột từ hơn 50% diện tích ở vụ trước xuống còn dưới 10%. Giống lúa được khuyến cáo có thể dùng thay jasmine là OM 4900 chỉ chiếm tỷ lệ 2,24%.
Tại các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, lượng giống jasmine và lúa thơm khác không đủ cung cấp cho nhu cầu xuống giống của nông dân. Không ít hộ nông dân sau nhiều lần liên hệ những nơi cung cấp giống nhưng không mua được đành phải chấp nhận sử dụng lúa hàng hóa làm lúa giống. Điều này khiến nhiều nhà khoa học rất bức xúc và lo ngại.
Cần có chiến lược cho cây lúa ĐBSCL. |
TS Đỗ Minh Nhựt – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang giải thích: Nếu trên địa bàn một ấp chỉ gieo sạ một giống lúa sẽ rất dễ dẫn đến phát sinh dịch bệnh, kể cả giống lúa có tính kháng sâu bệnh. Chẳng hạn nông dân gieo sạ cùng một giống lúa kháng rầy thì sẽ dễ phát sinh ra loài rầy thích nghi được với tính kháng của giống lúa đó. Và từ đó sẽ bùng phát thành dịch, gây khó khăn cho việc phòng trừ. Tình hình sâu rầy đã có chiều hướng diễn biến phức tạp từ sau Tết Nguyên đán, nhưng bà con nông dân và ngành nông nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng trị nên về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa thu hoạch.
Hiện, năng suất bình quân vụ đông xuân ở ĐBSCL đạt trung bình gần 7 tấn/ha. Giá lúa đang từ 4.300 đến 4.500đ/kg, riêng lúa thơm 5.000 - 5.800đ/kg đem lại đồng lãi cho nông dân ở mức trên dưới 20 triệu/ha. Dù sản xuất lúa thơm, hạt dài hay IR 50404, người nông dân ở khắp các tỉnh đều đang rất phấn khởi. Đứng trên diện tích hơn 4 ha lúa Đông Xuân, giống IR 50404 sắp đến ngày thu hoạch, lão nông Bùi Ngọc Giỏi ở khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long, quận Ô Môn không dấu được niềm vui vì trúng vụ bội thu.
Năm nay, ông xuống giống sớm, lúa tốt, ít công lao động, chi phí một công cắt khoảng 700 ngàn đồng, lúa sắp thu hoạch đã có thương lái hỏi mua. Tính trừ chi phí,mỗi công còn còn lời cỡ 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi giá ngang ngửa giữa các giống lúa thơm, hạt dài và lúa thường sẽ dẫn đến một kịch bản là lặp lại tình trạng ồ ạt xuống giống IR 50404. Nếu mất cân bằng cung cầu, người nông dân sẽ lại rơi vào tình trạng ế lúa kém chất lượng xuất khẩu như năm 2008.
Cần có chiến lược
Tại sao dù chỉ đạo quyết liệt, ngành nông nghiệp vẫn không thể hướng nông dân thực hiện theo cơ cấu giống đã khuyến cáo? Tại sao số đông nông dân đồng bằng vẫn canh tác lúa theo cảm tính? Câu trả lời nằm ở chỗ nông dân thiếu tin tưởng vào đội ngũ cán bộ cơ sở mà tin vào tư vấn của thương lái mua lúa. Còn đội ngũ này thì không tự tin, thiếu thông tin chính xác và sự ràng buộc trách nhiệm trong chỉ đạo sản xuất cho bà con nông dân.
Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ - Trưởng bộ môn Khoa học cây trồng, khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng trường Đại học Cần Thơ nhiều năm gắn bó với đồng ruộng và nông dân ĐBSCL cho rằng: “Chủ trương về cơ cấu giống của Bộ Nông nghiệp đưa ra là rất tốt. Nhưng cần phải có 1 đội ngũ chuyên nghiệp trong việc hoạch định chiến lược, dự báo được thị trường 1 cách gần chính xác tuyệt đối, tiên liệu được thời gian xa 2 năm, 5 năm nữa và điều chỉnh kịp thời khi có biến động. Có thông tin đảm bảo, đội ngũ cán bộ cơ sở mới dám chỉ đạo quyết liệt, đủ sức chịu trách nhiệm với bà con về thông tin tư vấn mà họ đem lại”.
Đã có những tín hiệu vui vì tại nhiều khu vực, nông dân ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp theo hướng cả hai bên cùng có lợi. Nhưng doanh nghiệp chỉ ký kết với những vùng có diện tích lúa tập trung và sản xuất theo hình thức tổ chức kinh tế hợp tác.Trong khi đó, phần lớn nông dân làm ăn cá thể trên mảnh ruộng nhỏ khoảng vài ha, tự quyết định chọn giống và cách chăm sóc theo ý muốn chủ quan.
Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp không thể chỉ khuyến cáo như hiện nay mà cần chủ động tập hợp nông dân để ký kết hợp đồng hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm và quản lý cơ cấu giống. Tại quận mới Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, phòng Nông nghiệp đứng ra làm cầu nối cho nông dân và doanh nghiệp. Theo đó, nông dân sẽ được hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch và thu mua lúa theo giá thời điểm thu họach.
Do đó, người nông dân nên chủ động liên kết để thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu định hướng, ảnh hưởng đến tính bền vững của hạt lúa đồng bằng. Chính các tổ chức sản xuất hợp tác kinh tế giúp người nông dân làm chủ thị trường, trực tiếp giao dịch với doanh nghiệp xuất khẩu, vừa dễ triển khai các biện pháp canh tác khoa học kỹ thuật, vừa tăng giá trị lợi nhuận và có điều kiện tuân thủ những qui định cần thiết để hạt gạo đồng bằng thêm bền vững.