00:00 Số lượt truy cập: 3000371

Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ hai: Đồng xanh và mùa vàng 

Được đăng : 03/11/2016

Không phải ngẫu nhiên mà Ban tổ chức Festival Lúa gạo VN lần thứ hai tại Sóc Trăng chọn chủ đề “Vinh danh hạt gạo Việt - môi trường xanh cho cánh đồng vàng”.


Trải qua bao thăng trầm trên vùng châu thổ sông Cửu Long vốn thường xuyên đối mặt với nắng, gió, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, triều cường…, cây lúa vẫn ngạo nghễ sản sinh ra những mùa vàng, không chỉ bảo đảm cho cả nước đủ ăn mà còn là nguồn cung cấp gạo chủ yếu cho một hành tinh hàng triệu người thiếu đói.

Đoàn xe diễu hành chào mừng Festival Lúa gạo Việt Nam lần II.     Ảnh:Nhật Hồ
Đoàn xe diễu hành chào mừng Festival Lúa gạo Việt Nam lần II. Ảnh:Nhật Hồ

Nhộn nhịp con đường lúa gạo

Ban tổ chức festival đã chọn tuyến đường đẹp nhất tỉnh Sóc Trăng, dài hơn 1.500m dẫn từ QL1A vào trung tâm tỉnh lỵ để làm “con đường lúa gạo” với 47.000 chậu lúa trưng bày trên các dải phân cách của đường Hùng Vương, nhằm tái hiện quá trình phát triển của cây lúa gắn với nền văn minh lúa nước có từ mấy nghìn năm. Khu triển lãm “Vinh danh hạt ngọc Việt” thu hút người xem bởi cách bài trí quá trình phát triển của nghề trồng lúa.

Festival Lúa gạo VN lần II tại Sóc Trăng thu hút nhiều người tham quan.     Ảnh:Nhật Hồ
Festival Lúa gạo VN lần II tại Sóc Trăng thu hút nhiều người tham quan. Ảnh:Nhật Hồ

Những dụng cụ sản xuất nông nghiệp từ thuở sơ khai cho đến những chiếc máy gặt đập liên hợp hiện đại phổ biến trên đồng ruộng. Lịch sử xuất khẩu lúa gạo của VN cũng được ban tổ chức dụng công làm rõ. Từ cuối thế kỷ 18, thương cảng Bãi Xàu đã là một cảng lớn của Sóc Trăng. Đến đầu thế kỷ 19, chỉ riêng tỉnh này xuất khẩu mỗi năm 180.000 tấn lúa. Chưa bao giờ hạt gạo VN lại có nhiều con đường đi ra thế giới như ngày nay. Theo Bộ NNPTNT, năm nay xuất khẩu 7,2 triệu tấn gạo là điều rất dễ đạt tới.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Chất lượng hạt gạo VN là điều hết sức quan trọng, bên cạnh năng suất, sản lượng. Giảm thất thoát sau thu hoạch đang là vấn đề cần quan tâm. Festival là dịp để nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp và Nhà nước cùng nhìn lại quá trình liên kết 4 nhà. Trong đó, nhà doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa để nâng cao giá trị hạt gạo VN trên thị trường quốc tế.

Những “cánh đồng mẫu lớn” được triển khai thực hiện ở Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng... và thuật ngữ “môi trường sản xuất xanh” là những thông điệp mới thay cho những hướng dẫn “kinh điển” bón phân theo bảng so màu lá lúa, áp dụng “4 đúng” trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Ông  Hồ Quang Cua - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, người sở hữu nhiều loại giống ST cho năng suất, chất lượng cao - nhận xét: “Thị trường gạo của VN rất lớn, ngay cả trong nước và quốc tế. Muốn nâng giá trị của cây lúa, cần phải sản xuất sạch và quan tâm đến chất lượng hạt gạo”.

Cơ hội cho hạt gạo Việt

Phát biểu khai mạc Festival Lúa gạo VN lần thứ hai, ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết: Từ  thế kỷ 19, VN đã xuất khẩu gạo đến Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Malaysia... Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, gạo thơm VN cũng được xuất khẩu từ miền Bắc qua Hồng Kông, vào Trung Quốc, rồi tái xuất qua Nhật Bản, nhưng chưa có thương hiệu. Hiện nay, VN đã đứng hàng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Thương hiệu “gạo VN” bước đầu được quan tâm xây dựng và đã có uy tín. Do đó, festival tổ chức tại Sóc Trăng lần này sẽ góp phần tạo ra sự liên tưởng thú vị và hấp dẫn về con đường lúa gạo VN vươn ra thế giới.

Xây dựng thương hiệu cho gạo VN là vấn đề được rất nhiều chuyên gia khuyến cáo. Tuy nhiên, cho đến nay, hạt gạo đồng bằng có rất ít thương hiệu. Chính vì vậy, xúc tiến đăng ký thương hiệu độc quyền là việc cần làm. Theo Hiệp hội Lương thực VN, gạo VN rất khó vào thị trường các nước phát triển. Lượng gạo xuất khẩu lâu nay chủ yếu là sang các nước đang phát triển. Một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa xây dựng thương hiệu và những thương hiệu hiện có chưa được quảng bá rộng rãi tại các nước phát triển. Có lẽ vì vậy mà chủ đề một cuộc hội thảo quốc tế sẽ được tổ chức ngày hôm nay (9.11) là câu hỏi lớn: “Gạo VN: Ai bán, ai mua?”.

Nhiều doanh nghiệp tìm đến với festival với mục tiêu quảng bá thương hiệu và nắm bắt cơ hội hợp tác với các “bạn hàng” quốc tế như Hà Lan, Mỹ, Indonesia, Bangladesh... đang có mặt tại TP.Sóc Trăng. Liệu hạt gạo VN sẽ tận dụng được cơ hội lịch sử vượt qua hạt gạo Thái Lan, chiếm ngôi đầu bảng trên cả 2 mặt số lượng và giá trị? Được hay không phụ thuộc vào sự thay đổi tư duy của chúng ta trong sản xuất lúa và xuất khẩu gạo.

Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL: Kỳ tích 25 năm

Tổng sản lượng lúa cả nước tăng từ 19,2 triệu tấn năm 1990 lên 41,6 triệu tấn năm 2010 và 22 năm qua, Việt Nam (VN) đã xuất khẩu hơn 75 triệu tấn gạo, đạt tổng trị giá 23 tỉ USD. Đất nước đã chuyển từ thiếu gạo trong thập kỷ 1980 sang dư thừa và lần lượt xuất khẩu 3 triệu tấn, 5 triệu tấn, 8 triệu tấn vào các năm 1990, 2000 và 2010. Nếu như năm 1990, lượng cung dư thừa tương đương 28% lượng gạo “sẵn có” thì đến năm 2010, tỉ lệ đã là 39%; tỉ lệ gạo xuất khẩu trong tổng số gạo “sẵn có” cũng tăng từ 16% lên 32% (Báo cáo “An ninh lương thực ở VN và chuỗi giá trị lúa gạo” của Ngân hàng Thế giới - WB năm 2011).

Trong kỳ tích đó, vùng đất Chín Rồng nổi lên và giữ vai trò quyết định. Chỉ sau 2 thập niên, sản lượng lúa trên vùng châu thổ này được nhân lên hơn gấp đôi (từ 9,48 triệu tấn năm 1990 lên 21,6 triệu tấn năm 2010), hiện chiếm hơn 50% sản lượng và 90% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước. Năng suất cũng tăng từ 3,3 tấn/ha năm 1990 lên khoảng 5,5 tấn/ha hiện nay; riêng vụ đông xuân, nhiều nơi đạt tới 7 tấn/ha.

Khi sản xuất gạo liên tục vượt xa nhu cầu tiêu dùng trong nước, phần lớn sản lượng gia tăng trong 2 thập kỷ qua đã được xuất ra nước ngoài theo 2 kênh thương mại và giao dịch chính phủ (G2G). Trong đó, khoảng 1/3 sản lượng quốc gia và 70% sản lượng ĐBSCL đã được xuất khẩu.

Theo nghiên cứu của WB thì chỉ khoảng 20% người trồng lúa ở ĐBSCL đã tạo ra 63% thặng dư sản lượng trên thị trường. Trong những năm đầu thập kỷ 2000, khoảng 40% sản lượng lúa của ĐBSCL đã được xuất khẩu. Hai năm gần đây, tỉ trọng này chiếm khoảng 65-70%.      Trần Hữu Hiệp