00:00 Số lượt truy cập: 2668128

Gia nhập WTO tác động thế nào đến nông dân? 

Được đăng : 03/11/2016
Sau 11 đàm phán gia nhập WTO, Việt có thể được kết nạp vào tổ chức này trong năm nay. Trong quá trình đàm phán, khi Việt Nam tiếp tục mở cửa và cải cách nền kinh tế của mình, và sẽ có thêm nhiều cuộc cải cách nữa trong vòng 5 năm sau sau khi gia nhập để hoàn tất các cam kết của mình ký trong Nghị định thư gia nhập WTO

Các cải cách này mang đến những điều chỉnh cơ cấu lớn liên quan đến hộ gia đình, doanh nghiệp, và giới chức hữu trách, và trong khi toàn nền kinh tế có thể thu lợi lớn từ những điều chỉnh cơ cấu này, một số hộ gia đình sẽ phải trải qua những thiệt hại và khó khăn lớn trừ khi các chính sách nội địa đúng đắn được đưa ra để tạo đà cho sự điều chỉnh cơ cấu và/hoặc trợ giúp những người thua cuộc này.


Điều quan ngại nhất ở Việt Nam là các cuộc cải cách có khả năng làm sút giảm thu nhập hộ nông dân, khoét sâu hố ngăn cách thu nhập giữa nông thôn - thành thị, và có khả năng làm tăng tỷ lệ nghèo đói đang trên đà giảm. Bài viết này phân tích những tác động có thể có của những cuộc cải cách này lên phân phối thu nhập và đề xuất một số chính sách hỗ trợ cần thiết cho những người có khả năng bị thua thiệt.


Những thay đổi trong chính sách phải thực hiện ngay sau khi gia nhập là xóa bỏ mọi trợ cấp nông nghiệp và cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu nông sản. Những thay đổi này mạnh hơn, nhanh hơn tất cả những thay đổi mà mọi nước đang phát triển khác bị yêu cầu phải thực hiện theo thỏa thuận về nông nghiệp ở vòng đàm phán . Vì tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam tuy đã giảm mạnh trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức trên 30% và đại bộ phận trong số này là ở nông thôn nên mối quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực của WTO lên mức gia tăng nghèo đói là hoàn toàn có thể hiểu được.


Tuy nhiên, trong khi nhập khẩu các sản phẩm có yếu tố lợi thế về đất đai (như bông và ngũ cốc) sẽ tăng lên, việc cắt giảm bảo hộ có thể dẫn đến tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp có yếu tố lợi thế về lao động vẫn đang là thế mạnh của Việt Nam.


Ngoài ra, hộ nông dân còn bị ảnh hưởng gián tiếp bởi nhiều thỏa thuận khác của Việt với WTO. Trong số đó có việc xóa bỏ mọi hạn chế về lượng cho các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như dệt may, và việc giảm bảo hộ đối với nhiều sản phẩm công nghiệp, trong đó có ôtô và phụ tùng. Những thay đổi này sẽ cho phép Việt Nam chuyển hướng sang tập trung khai thác thế mạnh về những sản phẩm (cả nông nghiệp và phi nông nghiệp) có hàm lượng lao động phổ thông lớn, và do đó làm tăng thu nhập của lao động phổ thông, trong đó có lao động đã và đang làm nghề nông.


Đi sâu vào phân tích cơ cấu phân bổ thu nhập sau gia nhập WTO, ta có thể dự đoán một bức tranh như sau:


Gia nhập WTO sẽ làm giảm một cách tương đối thu nhập hộ nông dân sản xuất những sản phẩm nông nghiệp bị sản phẩm nhập khẩu cạnh tranh trực tiếp, đặc biệt là những sản phẩm chứa đựng lợi thế đất đai, vốn không phải là thế mạnh của Việt Nam, và do đó giảm nhu cầu về lao động phổ thông nông nghiệp, và tức là làm giảm thu nhập lao động phổ thông sản xuất nông nghiệp. Thu nhập của những hộ nông dân bám vào nông nghiệp còn giảm thêm do nhu cầu về đất đai canh tác giảm, làm giảm giá bán/cho thuê đất canh tác.


Tương phản với tình trạng trên, sự xóa bỏ hạn ngạch hàng dệt may đối với xuất khẩu của Việt sẽ là một yếu tố cải thiện thu nhập cho lao động phổ thông thoát ly nông nghiệp.


Ngoài ra, với 3 nguyên nhân sau: (i) lao động nông nghiệp dư dôi làm tăng cung lao động phổ thông trong ngành công nghiệp chế biến và do đó làm giảm chi phí tiền lương phải trả trong các ngành này; (ii) thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu đầu vào giảm; và (iii) tỷ giá thực tế tăng do giảm thuế nhập khẩu làm giảm giá các hàng hóa không trao đổi được và giá của các yếu tố đầu vào khác; các ngành công nghiệp chế biến (sử dụng nhiều lao động phổ thông) này sẽ thu hút lao động phổ thông nông nghiệp dôi dư do thu hẹp sản xuất các nông sản bị hàng nhập khẩu cạnh tranh, dẫn đến cải thiện thu nhập cho bộ phận lao động này so với thời điểm trực tiếp sản xuất nông nghiệp.


Kết quả của quá trình chuyển dịch lao động này sẽ cải thiện thu nhập của hộ nông dân bị ảnh hưởng bởi gia nhập WTO, nếu họ có thành viên gia đình chuyển sang làm ở các nhà máy công nghiệp. Tất nhiên, một giải pháp khác là họ chuyển sang sản xuất những hàng hóa nông sản không bị trực tiếp ảnh hưởng bởi tự do hóa nhập khẩu.


Nếu so sánh chung giữa 2 khu vực nông thôn và thành thị thì bất bình đẳng thu nhập giữa hai khu vực này chưa chắc đã tăng, thậm chí có thể giảm đi nếu tỷ trọng lao động phổ thông thoát ly nông nghiệp chuyển sang hoạt động sản xuất công nghiệp tăng đủ nhanh để bù đắp số lượng lao động nông nghiệp thuần túy bị mất việc làm, hoặc trở nên bán thất nghiệp, và nhờ đó thu nhập chung của cả khu vực nông thôn được cải thiện tương đối so với khu vực thành thị.


Ngược lại, nếu không có những chính sách hỗ trợ hữu hiệu thì thu nhập hộ nông dựa thuần túy vào sản xuất nông nghiệp nói chung sẽ suy giảm cả về tuyệt đối và tương đối so với hộ nông dân thoát ly nông nghiệp, và cả so với lao động ở khu vực thành thị, dẫn đến làm tăng bất bình đẳng thu nhập giữa những bộ phận lao động này.


Một trong những chính sách hỗ trợ cần thiết nhất là tự do hóa thị trường lao động, khuyến khích, tạo điều kiện dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang các hoạt động phi nông nghiệp và các khu vực khác của nền kinh tế. thông qua việc xóa bỏ chế độ quản lý nhân khẩu. Theo chế độ này, nông dân không dễ dàng gì thay đổi nghề nghiệp hoặc nơi cư trú (trừ một số người có trình độ và/hoặc có tiền). Hầu như mọi chế độ phúc lợi xã hội như chế độ hưu trí, khám chữa bệnh, học hành, đều gắn với quyển hộ khẩu.


Gần đây, một số thay đổi nhỏ đã diễn ra ở một số tỉnh thành lớn, ví dụ như về việc thường trú và sở hữu nhà cửa. Nhưng về cơ bản, chế độ hộ khẩu vẫn phát huy tác dụng của nó trong việc ngăn chặn làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị, và nạn thiếu thốn nhà cửa dành cho người nhập cư.


Bởi vậy, nhiều người lao động nông thôn hầu như không còn lựa chọn nào khác là phải chôn chân trên mảnh ruộng của mình và chia sẻ công việc với các thành viên khác trong gia đình. Và đây đã trở thành một vấn đề lớn ở nông thôn.


Có những ước tính cho thấy khoảng đến 35-40% lực lượng lao động nông thôn bị dư thừa, và năng suất lao động nông thôn cực kỳ thấp. Một trong những hậu quả là tỷ lệ dân số cư trú tại nông thôn và thành thị hầu như không thay đổi đáng kể trong hai thập kỷ qua, và chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa người giàu (chủ yếu ở thành thị) và người nghèo (chủ yếu ở nông thôn) ngày càng tăng lên (từ 4,6 lần năm 1993 tăng lên 5,5 lần năm 1998, con số này đã, và còn cao hơn nữa trong những năm gần đây).


Để giảm bớt khó khăn cho người nông dân thời kỳ hậu WTO, một số giải pháp chính sách hỗ trợ khác mà Nhà nước có thể thực hiện là:


- Cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, chăm sóc y tế, sức khỏe cho dân cư nông thôn để giúp giảm được rủi ro đói nghèo và giúp họ hòa nhập được vào lực lượng lao động công nghiệp (thành thị), nâng cao năng suất lao động, kể cả khi họ ở lại với nông thôn.


- Cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn để tăng liên kết nông thôn-thành thị, thu hút đầu tư công nghiệp về nông thôn.


- Tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp, khuyến nông, sản xuất và marketing sản phẩm mới để tăng thu nhập cho hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, đặc biệt từ các hoạt động sản xuất hướng xuất khẩu.


- Trợ cấp cho những hộ nghèo các phương tiện để tham gia vào sản xuất, trong một thời gian ngắn. Những trợ cấp này được phép của WTO với điều kiện không vượt quá 10% tổng trị giá sản phẩm làm ra.


- Cải thiện công tác tài chính nông thôn, cắt giảm thuế và các nghĩa vụ tài chính trả từ nông dân.